Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Công nghệ làm thay đổi diện mạo thị trường lao động

Trần Huyền
Trần Huyền

Nhiều người thường nhìn tiến bộ công nghệ dưới lăng kính "máy móc thay thế con người" và khiến con người mất đi việc làm. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, công nghệ cũng tạo ra công việc mới. Những thay đổi của thị trường lao động sẽ mở ra cơ hội gia tăng năng suất lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế...

Hàng triệu việc làm mới được tạo ra nhờ công nghệ 

Trong báo cáo “Xu thế thị trường lao động trong tương lai” mới đây, Ngân hàng HSBC dự báo hầu hết các thị trường lao động khắp thế giới sẽ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong các năm 2023 và 2024.

Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, trong 5 năm tới, khoảng 83 triệu việc làm có thể bị mất đi do nhu cầu lao động trong một số lĩnh vực thay đổi, đồng thời cũng sẽ có 69 triệu việc làm mới được tạo ra dưới tác động của công nghệ và các xu hướng xã hội.

Những công việc được dự báo sẽ tuyển dụng nhiều trong tương lai gồm: Chuyên viên về trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học, chuyên viên về bền vững, chuyên viên về phân tích dữ liệu kinh doanh, chuyên viên về bảo mật thông tin, kỹ sư công nghệ tài chính…

Những công việc được dự báo sẽ dễ bị thay thế nhất gồm: Nhân viên an ninh bảo vệ, nhân viên thu ngân và bán vé, nhân viên dịch vụ bưu chính, giao dịch viên ngân hàng, thư ký...

cong nghe so.jpg

Theo bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc Nhân sự tại HSBC Việt Nam, sự tiến bộ vượt bậc của AI cũng gây ra nhiều xáo trộn cho thị trường lao động. Và còn nhiều xu hướng khác đã, đang và sẽ khiến thị trường lao động chuyển mình…

Tất cả những xu hướng này sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường lao động trong tương lai, đòi hỏi chúng ta phải quan sát thật kỹ các biến động để phán đoán diễn biến tiếp theo và sẵn sàng cho các làn sóng thay đổi mới. Điều đó quan trọng và cần thiết không chỉ với nhà tuyển dụng mà cả với người lao động.

Theo bà Oanh, sự quan tâm dành cho AI tăng vọt trong năm 2023 là dấu hiệu cho thấy các tiến bộ công nghệ sẽ đóng vai trò lớn trong thay đổi diện mạo thị trường lao động những năm tới. Robot được dự báo sẽ thay thế công nhân trong nhà máy, kho bãi, dây chuyền sản xuất hoặc nhân viên chạy bàn.

Nhiều người thường nhìn tiến bộ công nghệ dưới lăng kính "máy móc thay thế con người" và khiến con người mất đi việc làm. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, công nghệ cũng tạo ra công việc mới.

Nhiều công việc trong mảng phân tích dữ liệu lớn, công nghệ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, công nghệ quản lý môi trường, mã hóa và an ninh mạng, công nghệ sinh học, công nghệ nông nghiệp, các nền tảng và ứng dụng số hóa… được dự báo sẽ tăng lên trong tương lai.

sinh viên cong nghe.jpg

Đào tạo đón đầu xu hướng việc làm trong tương lai

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong 5 năm tới sẽ có 1/3 công việc thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới nếu kỹ năng lao động không được nâng lên.

Trong khi đó, tại Việt Nam, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm yếu cản trở sự phát triển và thu hút đầu tư tại nhiều địa phương.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng dự báo, AI có  thể thay thế 85 triệu vị trí việc làm vào năm 2025, cho thấy khả năng tác động mạnh mẽ lên xu hướng thị trường lao động của AI.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin cần phát triển lên tầm cao mới để có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường, về cả số lượng và chất lượng. 

Theo các chuyên gia lao động việc làm, giai đoạn  2025-2035, xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan đến công nghệ trong thời đại 4.0 luôn ở mức cao nhất so với các ngành khác.

Do vậy, nhu cầu nhân lực qua đào tạo gắn với chuyển đổi số, khả năng thích ứng với sự chuyển đổi của xã hội ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thị trường lao động. Hay nói cách khác, vai trò chủ đạo của công nghệ kết nối kỹ thuật số đang tạo nên sự thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai đã thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành… Những thay đổi của thị trường lao động đòi hỏi người lao động hiện tại cần học lại, nâng cao các kỹ năng.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng phòng Tuyển dụng nhân sự cấp cao và tư vấn nhân sự của Manpower Việt Nam cho rằng, công nghệ không ngừng thay đổi đồng nghĩa với yêu cầu liên tục cập nhật kỹ năng số cho người lao động.

Doanh nghiệp cần linh hoạt áp dụng các chương trình nâng cao kỹ năng, xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn sao cho người lao động có thể đảm nhiệm tốt những công việc hiện tại và tương lai. 

Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho rằng, nguồn nhân lực qua đào tạo sẽ bị tác động mạnh, tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, làm gia tăng sự mất cân đối cung - cầu lao động.

Bên cạnh đó, lao động tri thức của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi có trình độ cao. 

Để hỗ trợ người lao động chủ động thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động để trình Chính phủ.

Dự thảo đề án đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đề án sẽ tạo cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin cho người lao động, đặc biệt là lực lượng công nhân và nông dân, lao động ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Đến năm 2025 và 2030, tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin lần lượt là 80% và 90%...

Bảo Châu

Tin liên quan