Theo thống kê năm 2023, Việt Nam ghi nhận khoảng 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Đáng chú ý, thời gian chung sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng ở thành phố lớn chỉ khoảng 6 - 8 năm.
Mặc dù ly hôn không phải là nguyên nhân chính gây ra vấn đề về sức khỏe tinh thần cho cá nhân nhưng những căng thẳng và xung đột trong quá trình ly hôn, thiệt thòi con trẻ, đặc biệt là khi không có sự can thiệp hợp lý có thể là yếu tố nguy cơ lớn. Bên cạnh đó, bạo lực gia đình đang là vấn nạn đáng lo ngại. Theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) từng chịu 1 hoặc hơn 1 hình thức bạo lực, trong đó có bạo lực thể chất, kinh tế, tinh thần, kiểm soát hành vi và bạo lực tình dục.
Theo các chuyên gia, nhiều lý do dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu tập trung vào 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, phần lớn và sâu xa dẫn tới tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt với các cặp vợ chồng trẻ là do thiếu kỹ năng sống. Họ bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình, quá đề cao cái tôi của bản thân, ít quan tâm đến chồng hoặc vợ, khiến nảy sinh mâu thuẫn ngay từ những tháng đầu, năm đầu của cuộc hôn nhân. Thứ hai là do kinh tế khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh con sớm khiến vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, không tập trung đồng thuận để xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái. Thực tế, nhiều cặp đôi đồng thuận ly hôn không có tài sản chung. Ngoài ra còn những nguyên nhân khác như: Tư tưởng lạc hậu; bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; bất hòa, thường xuyên mâu thuẫn...
Các giá trị gia đình đang có nhiều thay đổi. Một số giá trị truyền thống vẫn luôn được đề cao nhưng cũng có nhiều giá trị đang bị mai một, chuyển đổi và đồng thời có những tiêu chuẩn mới xuất hiện. Việc tìm hiểu và kết hôn của thanh niên nam nữ đã có sự chuyển đổi. Thay vì từ làm quen, tìm hiểu rồi đến kết hôn, không ít bạn trẻ chuyển từ tìm hiểu sang chung sống và sau đó có thể kết hôn hoặc không. Phần nhiều cặp nam nữ ngày nay coi sống thử và kết hôn là hai sự việc không loại trừ nhau mà sống thử trở thành một giai đoạn trước khi tiến tới hôn nhân. Mô hình hôn nhân truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng chung sống không kết hôn, thậm chí có con ngoài giá thú đã được chấp nhận rộng rãi.
Hệ quả của bạo lực gia đình không chỉ dừng lại ở các tổn thương về thể chất mà còn gây ra những tác động nghiêm trọng về mặt tâm lý như trầm cảm, lo âu và nguy cơ tự tử. Những con số này phản ánh rõ ràng tình trạng nguy cấp của gia đình Việt Nam và đòi hỏi sự can thiệp chuyên nghiệp từ các nhà tham vấn và trị liệu gia đình để giúp phục hồi và cải thiện cấu trúc gia đình.
Thực trạng trên cho thấy, cần thiết có sự can thiệp chuyên nghiệp trong việc xử lý các vấn đề gia đình tại Việt Nam. Theo PGS, TS Trần Thành Nam, gia đình là nền tảng của sự phát triển cá nhân và là tế bào của xã hội. Các vấn đề như ly hôn, bạo lực gia đình và xung đột nội bộ đã tạo ra những hệ quả tiêu cực. Vì thế, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp về tham vấn hôn nhân, gia đình trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
“Gia đình với vai trò là môi trường quan trọng nhất trong sự phát triển của cá nhân, khi không còn là nơi an toàn sẽ đẩy các thành viên vào những trạng thái căng thẳng, lo âu và tổn thương tâm lý. Việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu về trị liệu hôn nhân và gia đình dựa trên các nền tảng khoa học về tâm lý, xã hội học và giáo dục học sẽ giúp tạo ra nguồn chuyên gia có thể hỗ trợ tái thiết lập cấu trúc gia đình lành mạnh, đồng thời trị liệu các vấn đề về sức khỏe tinh thần của các thành viên trong gia đình”, PGS, TS Trần Thành Nam cho hay.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 114