Trong đó, gần 45.000 lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc, chia làm 4 ngành nghề (sản xuất chế tạo; xây dựng; nông nghiệp; ngư nghiệp) và tổ chức thi tại 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Thanh Hóa). Kỳ thi được tổ chức 2 vòng: Vòng 1 (thi tiếng Hàn); vòng 2 (kiểm tra tay nghề).
Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng cho biết, bắt đầu tại đợt thi tiếng Hàn năm 2024, Trung tâm Lao động ngoài nước đã áp dụng công nghệ mới trong việc phòng chống gian lận thi cử (CheckID) kiểm tra thông tin trên căn cước công dân có gắn chip dựa trên cơ sở ứng dụng những thành tựu kết quả từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06) do Bộ Công an chủ trì và triển khai.
Trung tâm Lao động ngoài nước đã yêu cầu các thí sinh dự thi phải đăng ký định danh điện tử ở mức độ 2 trên ứng dụng VNeID, qua đó ngăn chặn kịp thời các trường hợp sử dụng giấy tờ giả để tham gia dự thi, tăng cường việc giám sát, tra soát thông tin thông qua ứng dụng, giảm thời gian tác nghiệp cho cán bộ giám thị.
Trung tâm Lao động ngoài nước đã cử từ 2 - 6 cán bộ giám thị của Trung tâm phối hợp với HRD Korea kiểm tra, kiểm soát nhận diện thí sinh và hướng dẫn thủ tục trước khi vào thi.
Bên cạnh các biện pháp đã áp dụng trong các kỳ thi trước đây, trong kỳ thi năm nay, trung tâm đã bổ sung thêm các biện pháp nhằm ngăn ngừa các hành vi gian lận trong thi cử như: Sử dụng thiết bị và phần mềm đọc chip trên Căn cước công dân và đối chiếu khuôn mặt; trao đổi với HRD Korea đảo đổi giám thị trông thi trong phòng thi tiếng Hàn; phối hợp với HRD Korea rà soát bổ sung các biện pháp phòng tránh, phát hiện các biện pháp tiêu cực trong phòng thi nếu có.
Đối với điểm thi tại Thanh Hóa, HRD Korea đề nghị trao đổi, bố trí cán bộ công an trực tại điểm thi và bố trí các thiết bị phá sóng điện thoại, internet wifi để ngăn ngừa các hành vi mang thiết bị điện tử vào phòng thi.
C.Giang
Báo Lao động Xã hội số 59