Cuộc trò chuyện thoạt tiên cũng giống như bất cứ cuộc thăm hỏi định kỳ nào khác giữa một người hưu trí và chính quyền địa phương, nhưng thực tế đây là cuộc trao đổi giữa con người và một trí tuệ nhân tạo (AI).
Hàn Quốc đang đối mặt với vấn đề lão hóa. Với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, đất nước này đang trên đà trở thành xã hội siêu già vào năm 2025, nơi có hơn 20% tổng dân số từ 65 tuổi trở lên. Seoul cũng đã nhận ra “thảm họa nhân khẩu học” đang rình rập ấy.
Hàn Quốc đang đối mặt với sự “tuyệt chủng” nếu không chấp nhận nhập cư, Telegraph dẫn cảnh báo từ Bộ trưởng Tư pháp Han Dong Hoon hồi đầu tháng 12/2024.
Để giảm áp lực cho nhân viên y tế và đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, Hàn Quốc đã tích hợp công nghệ AI vào hệ thống chăm sóc sức khỏe. Đi đầu trong sự đổi mới này là hệ thống do Naver Corporation phát triển.
Vốn ra mắt trong đại dịch để theo dõi triệu chứng Covid-19, dịch vụ AI này đã phát triển thành dịch vụ kiểm tra sức khỏe và thể chất toàn diện cho người cao tuổi sống một mình.
Hệ thống này bao gồm các cuộc gọi AI được cá nhân hóa, tập trung vào sức khỏe thể chất và tinh thần, thuốc uống và tương tác xã hội của người bệnh. Những cuộc gọi này được thực hiện bằng giọng AI tự nhiên và đồng cảm, nhằm tạo cảm giác đồng hành. Nếu có vấn đề, AI sẽ chuyển lời đến các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để đánh giá thêm.
Sáng kiến này đã nhận được phản hồi tích cực, với tỷ lệ hài lòng do người dùng phản ánh là 90%. Một số bệnh nhân nói họ cảm thấy được an ủi nhờ các cuộc gọi trên, trong khi những người khác đã thay đổi lối sống dựa trên đề xuất của AI.
Trước nguy cơ gia tăng “những cái chết cô đơn”, Bộ Y tế Hàn Quốc có kế hoạch tận dụng AI hơn nữa để giám sát các nhóm có nguy cơ cao, thông qua phân tích thói quen sử dụng điện và nước để phát hiện dấu hiệu bất thường.
Hồi tháng 5/2024, Bộ Y tế Hàn Quốc đã công bố kế hoạch khảo sát những người có nguy cơ chết đơn độc, sau khi số “ca tử vong cô đơn” tăng 8,8% trong 5 năm qua, lên 3.378 trường hợp vào năm 2022.
Số người có nguy cơ được ước tính lên tới khoảng 1,5 triệu người, sau khi tỷ lệ hộ gia đình độc thân tăng đột biến từ 28,6 lên 33,4% trong giai đoạn 2017 - 2021, một phần trở nên nghiêm trọng hơn do đại dịch Covid-19.
Việc tích hợp AI trong chăm sóc người cao tuổi mang lại lợi ích tiềm năng trong theo dõi sức khỏe người cao tuổi, nhưng lại làm dấy lên các lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu, bảo mật thông tin và nguy cơ phụ thuộc vào công nghệ.
Ok Sang Hoon của Naver Corporation nhấn mạnh rằng vai trò của AI cần bổ sung, không phải thay thế việc chăm sóc con người.
Quốc Đạt (theo Telegraph)
Báo Lao động và Xã hội số 4