Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Hàn Quốc: Giới trẻ đua nhau học chứng chỉ chuyên môn

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Lực lượng lao động trẻ của Hàn Quốc có xu hướng bỏ công việc công ty và chuyển hướng theo đuổi cái gọi là nghề nghiệp chuyên môn với mức lương cao hơn và dễ tìm việc hơn.

Park, nhân viên 30 tuổi làm việc tại một công ty quảng cáo quy mô vừa ở Seoul được 3 năm, gần đây đang chuẩn bị cho kỳ thi lấy chứng chỉ luật sư lao động công.

Cô nói: “Tôi cần mức lương cao hơn để mua nhà và kết hôn, vì vậy tôi quyết định trở thành luật sư”. Park dự định nghỉ việc vào cuối năm nay để tập trung luyện thi chứng chỉ.

Bài 1_ Gioi-tre-Han-Quoc-thi-chung-chi_CNBC.jpeg
   Chứng chỉ chuyên môn mang lại nhiều lợi ích và cơ hội thành công nhiều hơn cho giới trẻ.

Ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc học thi lấy chứng chỉ trong các lĩnh vực chuyên môn bởi lương cao, công việc ổn định và môi trường làm việc linh hoạt. Những công việc được gọi là chuyên môn này gồm: Bác sĩ, luật sư, kế toán và các ngành nghề khác yêu cầu chứng chỉ.

Năm nay, số người đăng ký thi chứng chỉ chuyên môn đạt mức cao nhất mọi thời đại. Số người đăng ký thi chứng chỉ luật sư lao động công đã tăng lên 12.662, gấp 3 lần so với năm 2018.

Số người chọn tham gia thi lấy chứng chỉ kế toán thuế và thẩm định tài sản lần lượt là 23.377 và 6.746, cũng gấp đôi và gấp 4 lần trong cùng thời kỳ.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng sự gia tăng này là do xu hướng giới trẻ ưa chuộng những công việc yêu cầu chứng chỉ. Không chỉ sinh viên đại học chuẩn bị gia nhập lực lượng lao động, những người trẻ ở độ tuổi 20, 30 đã có công việc toàn thời gian cũng đổ xô tham gia các kỳ thi này.

Ngày nay rất dễ bắt gặp cảnh tượng nhân viên văn phòng mặc trang phục công sở bình thường ngồi đọc sách giáo khoa và luyện đề thi trong quán cà phê.

Không giống sinh viên, họ thường học ôn vào ban đêm sau giờ làm việc và vào cuối tuần. Các phòng chat mở trên KakaoTalk và Blind lúc nào cũng sôi động khi hàng trăm người tìm kiếm nhóm hoặc bạn học có chung mục tiêu.

Các chuyên gia cho rằng mức lương cao hơn, công việc ổn định và điều kiện làm việc linh hoạt là lý do tại sao rất nhiều thanh niên Hàn Quốc ở độ tuổi 20, 30 bỏ việc hiện tại để theo đuổi những nghề nghiệp đòi hỏi phải có chứng chỉ.

Theo Cơ quan Thông tin Việc làm Hàn Quốc, 25% những người có thu nhập cao nhất trong các ngành nghề này có mức lương hàng năm gần 71.000 USD (100 triệu won). Thu nhập của những người có chuyên môn làm việc tại các tập đoàn lớn, thậm chí cao hơn.

Tâm lý không hài lòng với văn hóa doanh nghiệp là một lý do khác khiến giới trẻ Hàn Quốc chuyển đổi nghề nghiệp. Bất kể ở quy mô nào, các công ty Hàn Quốc thường duy trì cơ cấu phân cấp nghiêm ngặt, khiến giới trẻ cảm thấy không hấp dẫn.

Các cuộc khảo sát với nhân viên thường cho thấy “văn hóa tổ chức cứng nhắc” là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bỏ việc.

Sự sụt giảm về số người đăng ký thi công chức cũng phản ánh xu hướng này. Năm nay, tuyển dụng công chức quốc gia cho các vị trí cấp 9 chạm mức thấp nhất trong 32 năm với tỷ lệ cạnh tranh là 21,8:1.

Các chuyên gia cho rằng công việc công vụ hiện nay bị coi là kém hấp dẫn hơn đối với giới trẻ Hàn Quốc do mức lương thấp và môi trường làm việc không linh hoạt.

Kim Jung-sang, 29 tuổi, gần đây đã chuyển sang học thi lấy chứng chỉ luật sư lao động công thay vì thi công chức, cho biết: “Hầu như chẳng có lợi ích gì khi làm một công việc trong thời gian dài, trong khi chứng chỉ chuyên môn mang lại nhiều lợi ích hơn và cơ hội thành công nhiều hơn”.

Xu hướng này cũng gây ra hậu quả đối với các doanh nghiệp. Khi các nhân viên trẻ nghỉ việc để tìm kiếm một công việc chuyên môn, doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ thôi việc tăng cao và chi phí đào tạo cao.

Một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Việc làm và Lao động cho thấy, 16,1% nhân viên mới được tuyển dụng tại các công ty lớn rời đi chỉ trong vòng một năm, với mỗi người bỏ việc, họ mất khoảng 20 triệu won.

                Minh Phương (theo Chosun)

  Báo Lao động Xã hội số 56

Tin liên quan