4 nhóm chính sách đó gồm: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Khắc phục những bất cập của thị trường lao động

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thị trường lao động Việt Nam được hình thành và phát triển từ năm 1986 đến nay, trong những năm gần đây có sự phát triển khá đều trên các phương diện. Cụ thể: Hệ thống pháp luật được hoàn thiện tương đối đồng bộ và toàn diện tạo ra hành lang pháp lý để phát triển thị trường lao động. Quy mô và chất lượng cung - cầu lao động được gia tăng; chất lượng việc làm ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng việc làm dễ bị tổn thương, tăng tỷ lệ việc làm được bảo vệ; đồng thời, tiền lương của người lao động được cải thiện rõ rệt, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đại dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ, cộng với ảnh hưởng tất yếu của CMCN 4.0 và chuyển đổi số đã làm lộ rõ một số hạn chế của thị trường lao động Việt Nam. Thứ nhất, cả cung và cầu lao động đều chưa đáp ứng thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao vẫn rất ít, chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Điều này thể hiện qua tỷ trọng lao động cao ở khu vực nông, lâm nghiệp… thấp ở khu vực công nghiệp.
Thứ hai, nhìn tổng thể, ở thời điểm hiện tại, thị trường lao động Việt Nam vẫn dư thừa lao động và có sự phát triển không đồng đều; vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, do hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ...
Thứ ba, quản trị thị trường lao động còn nhiều hạn chế cả về phương thức lẫn cán bộ quản trị, dẫn đến việc dự báo, phân tích xu thế và đề xuất giải pháp quản lý thị trường lao động thiếu hiệu quả.
Thứ tư, hệ thống an sinh xã hội phát triển chưa thực sự bền vững, lưới an sinh xã hội chưa đủ sức đảm đương phòng ngừa, khắc phục và chống chịu rủi ro bền vững cho người lao động.
Mới đây, đánh giá về thị trường lao động việc làm quý II, Tổng cục Thống kê chỉ ra nhiều hạn chế như: Về chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập (khoảng 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên), phản ánh một thách thức lớn mà thị trường lao động Việt Nam đang phải đối mặt.
Điều này không chỉ cho thấy nhu cầu cần thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn cả sự cấp thiết trong việc mở rộng cơ hội đào tạo và cấp bằng chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại.
Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%. Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc hơn, số lao động có việc làm tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ lao động phi chính thức vẫn khá cao. Điều này cho thấy, thị trường lao động đã dần hồi phục nhưng chưa bền vững.
Sửa đổi Luật Việc làm để quản trị tốt hơn thị trường lao động
Luật Việc làm số 38/2013/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 16/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (bao gồm cả đối tượng lao động có giao kết và không có giao kết hợp đồng lao động).
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập khi một số quy định, chính sách của luật chưa đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành có liên quan.
Bên cạnh đó, các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại CMCN 4.0, nền kinh tế số và những thách thức của già hóa dân số; các chính sách về việc làm bền vững bộc lộ các vấn đề không còn phù hợp.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) trở nên cấp thiết.
Ông Vũ Trọng Bình cho biết, việc sửa đổi Luật Việc làm năm 2013 nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực việc làm mà Việt Nam tham gia.
Việc sửa Luật Việc làm sẽ giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm 2013 về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp;
Đồng thời, đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó trong bối cảnh già hóa dân số, CMCN 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan lao động phi chính thức, quản lý nguồn lao động.
Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, Luật Việc làm (sửa đổi) tập trung vào 4 nhóm chính sách.
Nhóm chính sách 1: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập. Mục tiêu là hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.
Nhóm chính sách 2: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động. Mục tiêu là mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.
Nhóm chính sách 3: Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo thuận lợi cho người lao động học tập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Nhóm chính sách 4: Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững. Mục tiêu là thúc đẩy tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế.
“Quan điểm chung là sửa đổi chính sách việc làm trên cơ sở nguyên tắc của thị trường lao động. Có nghĩa là chính sách việc làm không chỉ hỗ trợ người lao động về an sinh mà còn hỗ trợ người lao động tham gia vào thị trường lao động có hiệu quả, nhất là đối tượng yếu thế, người cao tuổi, dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Bên cạnh đó, chính sách việc làm mới đưa ra một số chính sách đảm bảo việc làm xanh và bền vững”, ông Vũ Trọng Bình thông tin.
Theo đó, những nội dung lớn sửa đổi trong dự án Luật Việc làm (sửa đổi) bao gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm; bổ sung quy định về đăng ký lao động;
Bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; sửa đổi chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động…
Thái An
Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8