Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động phi chính thức

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) -Trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, công nghệ là cơ hội nhưng cũng là rào cản với người lao động.

Nhất là rào cản với lao động trẻ khu vực phi chính thức chưa qua đào tạo hoặc mới được đào tạo kỹ năng nghề trình độ thấp.

Tại tọa đàm “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số: Thực trạng và các cơ hội” mới đây, ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam cho biết, lao động phi chính thức ở nước ta vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.

lao dong phi chinh thuc 1.jpg
Lao động phi chính thức làm việc tại các làng nghề.

Theo ông Tạ Việt Anh, việc làm phi chính thức vốn được coi là những việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định, tuy nhiên, nhiều lao động vẫn chấp nhận gắn bó với công việc này trong thời gian dài.

Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc của mình, mặc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu.

Điều đáng nói, khu vực lao động phi chính thức còn phải chịu sức ép gián tiếp từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thế giới và Việt Nam đang ở trong nền kinh số - thời kỳ mà internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người.

Kỷ nguyên số cũng tác động làm biến đổi thị trường lao động, nhiều ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công bị xóa bỏ, nhiều lao động ở các quốc gia sẽ mất đi việc làm.

Mặt khác, nó cũng sẽ mở ra cơ hội cho những ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn.

“Vì vậy, để có một nền kinh tế phát triển và bền vững cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ngắn hạn, nhằm dần chuyển đổi mô hình, tăng tỷ lệ lao động từ phi chính thức sang chính thức”,  ông Tạ Việt Anh nhấn mạnh.

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động, trong đó có lao động phi chính thức đã góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng năng suất lao động, thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, đào tạo cho lao động phi chính thức nói chung và lao động phi chính thức ở các làng nghề nói riêng đang gặp khó khăn.  TS Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, giải quyết việc làm cho 11 triệu lao động.

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được giao thực hiện một số dự án đào tạo nhưng khâu tuyển sinh rất khó bởi các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, tại các làng nghề, nghệ nhân thường truyền nghề theo hướng “cha truyền con nối”, truyền tay chỉ việc nên khó thu hút người dân tham gia học nghề.

Để thu hút và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động phi chính thức ở khu vực làng nghề, ông Tôn Gia Hóa đề xuất nên có chế độ đặc biệt trong công tác dạy nghề; đồng thời, có quy định đặc thù đối với làng nghề truyền thống, không yêu cầu các nghệ nhân phải có bài giảng. Bởi xưa nay, nghệ nhân thường không có giáo trình mà truyền đạt, dạy bằng thực tế, truyền tay chỉ việc.

Liên quan đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp nhằm giúp lao động chuyển đổi nghề nghiệp, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp đăng ký tham gia hỗ trợ học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp.

Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận 690.256 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chỉ có 27.457 người đăng ký tham gia hỗ trợ học nghề (chiếm 3,9%). 

Điều đáng mừng là lao động tham gia học nghề đa số tìm được việc làm ở các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn theo ngành nghề đã đăng ký, có nhiều người tự khởi nghiệp.

Dự thảo Luật Việc làm đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng, đã có một số nội dung sửa đổi lớn liên quan đến đào tạo nghề cho lao động phi chính thức, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.

Hà Phương

  Báo Lao động và Xã hội số 93