Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Kỷ luật 571 cán bộ, công chức, phát hiện 35 người liên quan đến tham nhũng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho thấy, 9 tháng năm 2024 đã thi hành kỷ luật 571 cán bộ, công chức; phát hiện 35 người liên quan đến tham nhũng.

Cụ thể, trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện một số nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thay mặt Chính phủ ký cho biết 9 tháng năm 2024, ngành thanh tra đã triển khai 5.675 cuộc thanh tra hành chính và gần 74.200 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế gần 106.700 tỷ đồng, gần 300ha đất.

Các cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi 71.155 tỷ đồng và 25ha đất, đồng thời kiến nghị xem xét, xử lý hành chính gần 1.400 tập thể và hơn 5.500 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 154 vụ, 125 đối tượng.

Kỷ luật 571 cán bộ, công chức, phát hiện 35 người liên quan đến tham nhũng - 1
Chính phủ đánh giá, việc xếp loại chất lượng cán bộ, công chức đã dần đi vào thực chất. (Ảnh minh hoạ)

Toàn ngành thanh tra đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hơn 5.800 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Từ đôn đốc, các cơ quan chức năng thu hồi 845 tỷ đồng, 18ha đất; xử lý hành chính 1.366 tổ chức, 5.250 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 88 vụ, 115 đối tượng; khởi tố 21 vụ, 26 đối tượng.

Trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra 3.455 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, qua đó phát hiện 267 đơn vị vi phạm.

Việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại hơn 3.700 cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng được kiểm tra, qua đó xử lý 30 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Để phòng ngừa tham nhũng, các cơ quan đã chuyển đổi vị trí công tác với hơn 12.000 cán bộ, công chức, viên chức; xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập với hơn 3.200 người. Trong đó, 2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Đáng chú ý, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, ngành thanh tra đã phát hiện 25 vụ việc, 35 người liên quan đến tham nhũng. Trong đó, qua kiểm tra nội bộ phát hiện 8 vụ, 10 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 12 vụ, 20 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 5 vụ, 5 người liên quan đến tham nhũng.

Còn tại báo cáo về công tác quản lý cán bộ, công chức được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Chính phủ ký gửi các đại biểu Quốc hội cho biết, tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương về kết quả xếp loại chất lượng công chức năm 2023 cho thấy trong tổng số gần 255.000 công chức, gần 45.700 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

Gần 166.000 người hoàn thành tốt nhiệm vụ; gần 28.700 người hoàn thành nhiệm vụ và hơn 14.700 người không hoàn thành nhiệm vụ.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 139 cán bộ và 432 công chức bị xử lý kỷ luật.

Theo đánh giá của Chính phủ, việc xếp loại chất lượng cán bộ, công chức tại các bộ, cơ quan, địa phương đã dần đi vào thực chất, gắn kết hơn với kết quả công việc, sản phẩm cụ thể. Cùng với đó việc xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh.

“Việc này đã góp phần đấu tranh, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cũng được thực hiện theo quy định.

Công tác bổ nhiệm thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Chính phủ cho rằng công tác điều động, luân chuyển tại các cơ quan, đơn vị được thực hiện bài bản, theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thận trọng, coi trọng công tác tư tưởng đối với cán bộ, công chức được luân chuyển, giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng với ổn định, phát triển đội ngũ cán bộ tại chỗ.

Cũng theo Chính phủ, việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện, đặc biệt với các trường hợp cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật.

Đưa ra đánh giá chung, Chính phủ cho rằng cơ chế quản lý cán bộ, công chức từng bước được đổi mới, góp phần cải cách chế độ công vụ; phân cấp trong công tác sử dụng và quản lý cán bộ, công chức được đẩy mạnh gắn với quy định cụ thể trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm đạt được nhiều kết quả tích cực; kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, văn hóa công vụ được tăng cường…

PV

Báo Lao động và Xã hội số 126

Tin liên quan
Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

(LĐXH) - Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài trong bối cảnh ngành trí tuệ nhân tạo (AI) tại quốc gia này đang có dấu hiệu phát triển...