Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Lệch pha cung - cầu lao động

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Theo khảo sát của FALMI, yêu cầu của doanh nghiệp và đáp ứng của người lao động có độ chênh lệch. Đây là nguyên nhân khiến thất nghiệp vẫn ở mức cao nhưng doanh nghiệp lại “khát” nhân sự.

Theo Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), nửa cuối năm, hầu hết doanh nghiệp cần lao động đã qua đào tạo với tỷ lệ gần 88%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 19,54%, cao đẳng 23,16...

Nhu cầu cao nhưng khó khăn của doanh nghiệp là tình trạng “đỏ mắt” vẫn không tìm đủ nguồn lao động. 

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM Nguyễn Văn Hạnh Thục cho biết đang có tình trạng doanh nghiệp khó tuyển lao động. So sánh cung - cầu lao động tại trung tâm cho thấy, đến 40.000 vị trí việc làm không có lao động ứng tuyển.

giao dich vl truc tuye.jpg
Kết nối cung - cầu lao động tại các trung tâm dịch vụ việc làm.

 

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Long An. Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An cho hay, tỉnh có nguồn lao động lớn nhưng hầu hết là lao động phổ thông. Còn nhân lực có kinh nghiệm quản lý, nắm kỹ thuật công nghệ then chốt chiếm chưa đến 50%.

Đây là hạn chế lớn, trở thành lực cản, làm chậm quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Không ít doanh nghiệp FDI đầu tư ở Long An  không tuyển được nhân sự theo yêu cầu nên phải chuyển sang Củ Chi (TPHCM), Bình Dương, Đồng Nai hoạt động.

Nhiều chuyên gia lao động nhận định, thị trường lao động có sự lệch pha không những ở nguồn cung lao động chất lượng, kỹ thuật mà còn có sự lệch pha lớn của phân khúc lao động phổ thông.

Bên cạnh yếu tố lương thì theo quan sát thực tế cũng như dữ liệu thống kê từ ngành chức năng, đại dịch Covid-19 đã khiến người lao động phổ thông thay đổi về những mong muốn khi đi tìm việc.

Bên cạnh lương và phúc lợi, lao động phổ thông giờ đây quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, sức khỏe, sự an toàn hay khả năng cân bằng công việc và cuộc sống gia đình.

Đặc biệt, do chi phí và mức sống đắt đỏ ở thành phố cùng sự nở rộ của các doanh nghiệp, nhà máy tại nhiều tỉnh thành, một bộ phận lao động phổ thông từ bỏ bám trụ ở thành phố và chuyển về quê để được làm việc gần nhà hơn. Ngoài ra, một số lao động phổ thông chuyển sang làm các công việc có tính tự do và linh hoạt cao hơn như: Bán hàng online, shipper, kinh doanh tự do…

Để ổn định thị trường lao động cuối năm, theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc FALMI, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo cho 3 loại lao động (lao động quản lý, lao động gián tiếp và lao động trực tiếp) gắn với từng ngành, trình độ cụ thể định kỳ ngắn, trung và dài hạn phù hợp với mục tiêu phát triển của mình.

Đối với người lao động, ngoài kiến thức chuyên môn, cần trang bị cho mình những kỹ năng nghề gắn với vị trí làm việc và cần có thái độ làm việc tích cực để đảm bảo hoàn thành tốt các công việc và phát triển trong tương lai.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thực tế sự tiệm cận giữa cung - cầu lao động trong bất kể thời điểm nào đều có khoảng cách, thị trường lao động ở mỗi giai đoạn đều có những phân khúc, ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng khác nhau.

Trong khi đó, bản thân người lao động cũng có nhiều sự lựa chọn để tìm kiếm vị trí việc làm phù hợp và đem lại mức thu nhập tương xứng. Đây là một trong những lý do có những doanh nghiệp đến các phiên giao dịch việc làm tuyển được nhiều lao động nhưng cũng có công ty chỉ tuyển được vài người, thậm chí không tìm được ai.

Để kéo gần khoảng cách này, ông Thành cho biết trong quá trình trao đổi với các doanh nghiệp, đơn vị luôn cố gắng tư vấn cụ thể, chi tiết nhất để công ty có thể đưa ra các chế độ, quyền lợi, yêu cầu phù hợp đối với người lao động; từ đó đảm bảo sự hài hòa giữa các bên, đặc biệt giữ được người lao động.

Về phía người lao động, ông Thành cho rằng cần đánh giá, tìm hiểu cụ thể về các vị trí việc làm, phân khúc của thị trường lao động.

“Tâm lý của người làm công ăn lương đều mong muốn có thu nhập tốt đủ để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, các bạn cần đánh giá kỹ khả năng với vị trí công việc để có lựa chọn phù hợp nhất”, ông Thành lưu ý.

Theo bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự ManpowerGroup Việt Nam, để hạn chế sự lệch pha, doanh nghiệp cần hiểu mỗi phân khúc lao động sẽ có những nhu cầu và mong muốn khác nhau khi tìm kiếm công việc.

Thấu hiểu điều này sẽ giúp doanh nghiệp có chính sách thu hút, tuyển dụng và giữ chân người lao động phù hợp, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng.

Hà Phương

Báo Lao động và Xã hội số 92

Tin liên quan
Gieo mầm xuân cho tương lai

Gieo mầm xuân cho tương lai

(VTE) - Tết Trồng Cây không chỉ giúp thiên nhiên xanh tươi hơn mà còn dạy các em yêu lao động, bảo vệ môi trường và ghi nhớ công ơn Bác Hồ kính yêu.
Nhu cầu nhân lực công nghệ tăng mạnh

Nhu cầu nhân lực công nghệ tăng mạnh

(LĐXH) - Trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng vào nhiều ngành nghề, nhân lực giỏi công nghệ, biết vận dụng AI vào công việc...