Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ đại biểu Tây Hồ) đề cập thực trạng trên địa bàn Thủ đô còn trên 1,1 triệu lao động chưa được đào tạo nghề và khoảng 2 triệu lao động không có bằng cấp.
Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH có “sốt ruột” với thực trạng trên?
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (tổ đại biểu Quốc Oai) nêu thực trạng “lên ngôi” của các ngành nghề mới, ví dụ như nghề livestream bán hàng trên mạng.
Cụ thể, theo số liệu thống kê, riêng doanh số ngành thương mại điện tử xấp xỉ 10 tỷ đô la. Hiện nay bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử là ngành nghề mới, không chính thức.
"Sở LĐ-TB&XH cho biết, về dự báo nguồn nhân lực, chiến lược phát triển đào tạo nguồn nhân lực của Hà Nội trong 5-10 năm tới sẽ như thế nào trước bối cảnh công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo bùng nổ”, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương nêu vấn đề.
Trước vấn đề này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạch Liên Hương cho biết, hằng năm Hà Nội có khoảng 1 triệu lao động bước vào thị trường lao động, do đó tương xứng với tỷ lệ 1 triệu lao động chưa qua đào tạo.
Bên cạnh đó, Hà Nội có 1.350 làng nghề, lực lượng lao động tại đây chưa có đánh giá tiêu chí về trình độ bằng cấp.
Do đó, đây cũng là lỗ hổng trong đánh giá bằng cấp, chứng chỉ đối với nghệ nhân, người làm việc trong ngành nghề truyền thống… Trong thời gian tới, Sở cũng sẽ phối hợp với Cục Thống kê để có rà soát, đánh giá đầy đủ theo tiêu chí và đúng thực tế.
“So với các chỉ tiêu của chương trình, nhiệm vụ, Nghị quyết, đề án, quyết định của Chính phủ thì các chỉ tiêu của Hà Nội luôn đạt và cao hơn.
Nhưng với vai trò là người đứng đầu, làm việc bằng trách nhiệm và lương tâm, là cơ quan tham mưu cho Thành phố về đào tạo nhân lực, Sở cũng tự nhận thấy còn rất nhiều việc phải làm”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói.
Bà Bạch Liên Hương khẳng định, thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề. Tuy nhiên, với mong muốn, kỳ vọng của Thủ đô, xu hướng phát triển thời gian tới thì còn rất nhiều thứ phải cố gắng.
Trong đó, UBND Thành phố đã đề ra 9 nhóm giải pháp căn cơ, toàn diện để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đồng thời nâng cao nhận thức của nguời dân, gia đình, xã hội về học nghề.
Liên quan đến phân tích dự trường thị trường lao động, Trung tâm giới thiệu việc làm của Hà Nội đã luôn cập nhật xu hướng thị trường lao động và nhận thấy tập trung vào 2 nhóm vấn đề lớn là dịch vụ, du lịch và công nghiệp sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao.
Chiến lược phát triển của Hà Nội 5-10 năm tới sẽ xây dựng dựa trên cơ cấu kinh tế, xã hội và chiến lược phát triển Thủ đô. Đồng thời, trên nhu cầu của thị trường và thế mạnh của các cơ sở giáo dục, đào tạo, xác định được 3 nhóm nghề theo xu hướng là công nghiệp công nghệ cao; dịch vụ, du lịch, thương mại; nông nghiệp công nghệ cao.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm, năm 2022, Sở đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành danh mục 78 nghề đào tạo dưới 3 tháng.
Để bảo đảm danh mục này gắn với thực tiễn của thị trường, năm 2023, Sở tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã để rà soát, tham mưu cho UBND Thành phố điều chỉnh, rà soát còn 77 nghề, trong đó có rút và bổ sung 15 nghề mới.
“Trong danh mục 77 nghề có cả nghề mới như đại biểu đã đề cập là livestream bán hàng hay giúp việc gia đình", bà Bạch Liên Hương thông tin.
Cũng tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã làm rõ thêm một số vấn đề định hướng nghề trọng tâm, trọng điểm trong 10 năm tới. Hà Nội xã xây dựng hoàn thiện nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề.
Trong đó, có thành lập các tổ công tác phân tích dự báo các nghề trọng tâm trọng điểm thời gian tới. Tổng thể đề án có rất nhiều nội dung, dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2024, sẽ trình các cấp và tổ chức thực hiện.
Thành phố xác định đối với hệ thống các trường nghề sẽ tập trung xây dựng 4 trường chất lượng cao từ giai đoạn 2021, đến thời điểm này, Thành phố đã có 2 trường là Trường Cao đẳng Công nghệ cao và Cao đẳng Nghề công nghiệp;
Có 2 trường Thành phố đã rà soát, đề xuất Bộ LĐ-TB&XH đưa vào bổ sung, đó là trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và Cao đẳng Việt - Hàn, nhưng đến nay chưa được phê duyệt chính thức.
Ngoài lộ trình đối với 4 trường nêu trên, trong đề án xây dựng nâng cao chất lượng hệ thống các trường nghề, Thành phố cũng đã đánh giá, cập nhật, bổ sung các giải pháp và bổ sung thêm các trường, sẽ trình báo cáo cấp có thẩm quyền vào tháng 8/2024.