Kỳ 1: Khoa học cơ bản vẫn khó “hút” thí sinh
Đến hẹn lại lên, vào mỗi mùa tuyển sinh, hàng nghìn từ khóa về ngành nghề “hot” lại được phụ huynh, học sinh tìm kiếm, đăng ký như: Công nghệ thông tin, du lịch, báo chí, quản trị kinh doanh, marketing...
Tuy nhiên, những ngành nghề xã hội đang có nhu cầu nhân lực lớn, là “xương sống” của nền kinh tế, được doanh nghiệp săn đón ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường thì lại…“khát” người học.
Liên tục mấy năm gần đây, công tác tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản (KHCB), đào tạo truyền thống ở nhiều trường đại học (ĐH) ngày càng trở nên khó khăn. Dù các cơ sở giáo dục không ngừng xoay xở tìm giải pháp để thu hút thí sinh, nhưng nguồn nhân lực chưa đủ đáp ứng nhu cầu xã hội vì người học không mặn mà.

Khó “hút” thí sinh
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết quả tuyển sinh năm 2023 cho thấy nhiều lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh nhập học chiếm dưới 1%, thấp nhất là dịch vụ xã hội (0,41%), thú y (0,48%).
Các ngành KHCB như: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, toán và thống kê có tỷ lệ tuyển sinh ở mức 0,5 - 0,7%. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, môi trường và bảo vệ môi trường có trên 0,85% thí sinh đăng ký.
Đáng chú ý, trong ba năm liên tiếp (từ 2020 - 2022), 4 lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Cụ thể: Nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 49,1%; khoa học sự sống 57,92%; khoa học tự nhiên 59,43% và dịch vụ xã hội 61,36%. Đặc biệt, nhóm ngành KHCB vẫn nằm trong tốp ngành có điểm chuẩn thấp nhất.
Nhiều ngành liên quan đến lĩnh vực lâm, nông nghiệp, quy hoạch, xây dựng, môi trường... có điểm chuẩn chỉ khoảng 15 điểm/3 môn (tính cả điểm ưu tiên) nhưng vẫn không có người học.
Theo khảo sát, trong mùa tuyển sinh năm 2021 và 2022, điểm chuẩn trúng tuyển ĐH tăng mạnh ở hầu hết các ngành, tuy nhiên điểm chuẩn vào các ngành KHCB nói chung, các trường có kinh nghiệm đào tạo nhiều năm trong lĩnh vực này lại đều “giậm chân tại chỗ”.
Đơn cử như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, mặc dù điểm chuẩn vào trường tăng mạnh ở một số ngành, nhưng riêng khối ngành KHCB như: Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học, Địa chất học vẫn chỉ ở mức 6 điểm/môn và rất khó tuyển đủ chỉ tiêu.
Em Phương Thảo, học sinh lớp 12 tại Hà Nội cho biết, em đã tham khảo rất nhiều thông tin trên mạng Internet. Khi lựa chọn ngành học nếu thấy ngành đó ít người học và điểm chuẩn quá thấp, em sẽ bỏ qua.
“Ngoài việc chọn ngành học dựa vào sở thích thì em còn xem ngành học đó có hot không. Để biết đó có phải ngành học hot hay không thì em sẽ dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh, mức điểm chuẩn và số lượng trường đào tạo trong 2 đến 3 năm trước đó”, Phương Thảo nói.
Tuấn Anh, sinh viên năm hai, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, những năm trước, em rất thích theo học ngành KHCB như: Toán, vật lý tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), nhưng sau khi tham khảo ý kiến của bạn bè học trước, gia đình, em đã quyết định chuyển ngành học để sau khi ra trường sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội việc làm hơn.
Ngay từ khi con trai lên lớp 10, gia đình anh Ngọc Tiến (Tuyên Quang) đã định hướng cho con học và đặt mục tiêu thi đỗ vào một số chuyên ngành như: Công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, marketing... thay vì những ngành đào tạo truyền thống, ngành KHCB.
"Các ngành KHCB sau này ra trường, môi trường làm việc vất vả, thu nhập không cao nên tôi không định hướng cho con lựa chọn", anh Tiến chia sẻ.
Thực tế cho thấy, không riêng anh Tiến mà tâm lý chung của nhiều phụ huynh và học sinh đổ dồn vào lựa chọn các ngành học "hot" để ra trường có nhiều cơ hội việc làm hơn nên đã "thờ ơ" với một số ngành KHCB.

Tung ưu đãi “hút” thí sinh
Thống kê của PGS, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Phòng đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho thấy, một số ngành đặc biệt khó tuyển (không có sinh viên hoặc rất ít) trong một năm tuyển sinh như Hải dương học năm 2018 (0 sinh viên), năm 2019 (2 sinh viên).
Tương tự với ngành Tài nguyên và Môi trường nước vào các năm từ 2017 đến 2019, ngành Địa chất vào năm 2019. Các ngành này tuyển dưới 20 sinh viên/năm trong nhiều năm.
“Những năm qua, các ngành khối nông, lâm nghiệp chỉ đạt 30% chỉ tiêu tuyển sinh. Điều này dẫn đến một số khó khăn như: Bất cập trong quá trình triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, không đủ số lượng nhân lực để cung ứng cho các doanh nghiệp tuyển dụng”, TS Nguyễn Thực Huy, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông - Lâm Bắc Giang chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết, trong những năm qua, nhà trường có chính sách trao học bổng và cam kết về đầu ra nhưng vẫn chưa thực sự thu hút được người học. Vì thế, dù xác định các ngành KHCB là những ngành quan trọng cho sự phát triển, nhưng trường vẫn buộc phải thu hẹp qui mô tuyển sinh do không tuyển đủ chỉ tiêu.
ThS Phạm Văn Thuận, Trưởng phòng Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Tây Nguyên chia sẻ, mấy năm nay, một số ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khó tuyển sinh nên không đủ chỉ tiêu. Nhiều công ty, doanh nghiệp về trường để tuyển dụng việc làm, với mức lương khởi điểm là 8 - 15 triệu đồng/tháng (tùy từng vị trí việc làm).
Có công ty về trường tuyển dụng 400 lao động nhưng nhà trường không đủ sinh viên để đáp ứng chỉ tiêu. "Có thể nói, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản rất "khát" nhân lực, sinh viên ra trường "đắt như tôm tươi". Tiếc là, nhiều gia đình, học sinh không mặn mà với lĩnh vực truyền thống này", ông Thuận trăn trở.
PGS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) ngậm ngùi cho biết, tại ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, có những ngành tuyển không nổi 10 sinh viên hoặc chưa tới 50% chỉ tiêu như: Địa chất học, kỹ thuật địa chất, hải dương học, khoa học môi trường... Một số ngành như: Triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý chỉ duy trì tuyển khoảng 50 - 100 sinh viên mỗi năm, ít hơn các ngành khác.
Để thu hút tài năng và người học vào những ngành KHCB, hai ĐH quốc gia đã triển khai nhiều gói học bổng với ưu đãi đặc thù. Năm học 2022 - 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội triển khai chương trình học bổng "Thu hút tài năng" đối với 9 ngành KHCB của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và 9 ngành của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn.
Gói học bổng gồm: Miễn học phí, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác, hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học, miễn chỗ ở nội trú.
ThS Phùng Quán, chuyên gia tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho hay, năm nay nhà trường tiếp tục duy trì gói học bổng hơn 2 tỷ đồng để cấp học bổng toàn phần và bán phần (100% hoặc 50% học phí năm học đầu tiên) dành cho các thí sinh trúng tuyển năm 2024 với thành tích cao vào các ngành, nhóm ngành khó tuyển như: Hải dương học; kỹ thuật hạt nhân; địa chất học; khoa học môi trường; công nghệ kỹ thuật môi trường…
“Đây là những ngành, nhóm ngành hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực phục vụ một số mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2030”, ông Quán nói.
Nhiều mùa tuyển sinh, xu hướng thí sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) ngày càng nhiều. Năm 2024, thống kê từ Bộ GD&ĐT cho hay, có tới 63% số thí sinh chọn bài thi KHXH trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là tỷ lệ cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Trước đó, dữ liệu thống kê cho thấy, năm 2019 số thí sinh chọn tổ hợp KHXH là 52,83%; năm 2020 là 55,38%; năm 2021 là 55,38%; năm 2022 là 55,53%; năm 2023 là 53,30%. |
Kỳ 2: Cần giải pháp đột phá
Thanh Hòa
Báo Lao động và Xã hội số 98