Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Định hướng nghề nghiệp cho trẻ yêu thích công nghệ số

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong những năm gần đây là ngành học vô cùng “hot” với các bạn trẻ.

Với những trẻ yêu thích công nghệ số, cha mẹ cần phát hiện và định hướng nghề nghiệp sớm. Điều này giúp trẻ có thể nhanh đạt được thành tựu trong tương lai.

Trẻ có năng khiếu công nghệ số, cha mẹ cần làm gì?

Định hướng nghề nghiệp cho trẻ yêu thích công nghệ số - 1
STEM là sân chơi khoa học bổ ích dành cho teen. 

Cha mẹ cùng con tìm hiểu về lĩnh vực cụ thể mà trẻ yêu thích trong thế giới công nghệ số như: lập trình, thiết kế web, phân tích dữ liệu, an ninh mạng... Điều này giúp bạn đưa ra các giải pháp hỗ trợ trẻ phù hợp.

Nhận biết dấu hiệu trẻ có năng khiếu về công nghệ

Trẻ yêu thích công nghệ số có một số biểu hiện như tò mò, thích tìm hiểu về các chức năng và cách thức hoạt động của máy tính, điện thoại hay các thiết bị công nghệ. Trẻ có thể tự thực hành và thể hiện các ý tưởng sáng tạo của riêng mình.

Ngoài ra, trẻ cũng cảm thấy thích thú với các chương trình, sự kiện hoặc tin tức về công nghệ số thay vì những chương trình giải trí thông thường.

Trẻ có kỹ năng tự học tốt và luôn khao khát kiến thức mới. Điều này rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề và phát triển ứng dụng công nghệ. Công nghệ số là một ngành phát triển nhanh chóng đòi hỏi người học cần liên tục cập nhật kiến thức để bắt kịp xu thế. Những trẻ chủ động và tự giác trong việc học sẽ thích nghi tốt với ngành này.

Khuyến khích trẻ trải nghiệm

Cha mẹ cần tạo môi trường tích cực để trẻ theo đuổi sở thích và đam mê công nghệ số; Đưa ra những lời động viên và công nhận nỗ lực của trẻ.

Cha mẹ cho con tham gia các chương trình, sự kiện về công nghệ số hoặc các khóa học, hội thảo, dự án thực tế về công nghệ số để trẻ giao lưu, học hỏi; Khuyến khích trẻ bắt đầu các dự án cá nhân liên quan đến công nghệ số như lập trình một ứng dụng đơn giản, thiết kế trang web hoặc phát triển trò chơi. Các dự án này giúp trẻ thực hành và phát triển kỹ năng cũng như xây dựng kinh nghiệm.

Nếu có điều kiện, hãy cho con tham gia các cuộc thi về công nghệ số. Hiện nay, có rất nhiều các cuộc thi về công nghệ dành riêng cho trẻ em như: “X-Project: Thử thách công dân số”, “STEM Robot Challenge”, “Solve for Tomorrow”…

Cung cấp tài nguyên học tập chất lượng

Cha mẹ đảm bảo trẻ có các công cụ học tập cần thiết, như máy tính tốt, kết nối Internet ổn định và các tài liệu học tập. Bên cạnh đó là tìm kiếm các công cụ học tập trực tuyến, như các khóa học về lập trình, thiết kế, hoặc công nghệ số. 

Ngoài ra, cha mẹ có thể cho trẻ tham gia các cộng đồng công nghệ, nhóm lập trình, để con tìm hiểu, giao lưu với những người cùng chung đam mê. 

Đưa ra lựa chọn nghề nghiệp phù hợp 

Không chỉ lĩnh vực công nghệ số, mà bất cứ lĩnh vực nào, định hướng nghề nghiệp càng sớm thì càng có lợi cho trẻ. Cha mẹ cung cấp thông tin về các ngành nghề công nghệ số tiềm năng và cách để đạt được mục tiêu nghề nghiệp của trẻ. Nếu cần, có thể xin tư vấn từ các thầy cô và chuyên gia trong lĩnh vực này.

Trẻ yêu thích công nghệ số có thể làm nghề gì?

Trẻ yêu thích công nghệ số có thể theo đuổi nhiều nghề nghiệp khác nhau trong lĩnh vực này, như:

Khoa học máy tính: Nghiên cứu các nguyên lý cơ bản của máy tính và phần mềm, bao gồm lập trình, cấu trúc dữ liệu, thuật toán và trí tuệ nhân tạo.

Lập trình viên: Trẻ có thể trở thành người lập trình ứng dụng, phát triển các ứng dụng di động hoặc phần mềm máy tính hoặc lập trình web, thiết kế và phát triển các trang web và dịch vụ trực tuyến.

Kỹ sư hệ thống: Thiết kế, triển khai và duy trì các hệ thống công nghệ thông tin trong các tổ chức và doanh nghiệp.

Nhà phát triển game: Tạo ra các trò chơi điện tử cho các nền tảng khác nhau, từ trò chơi di động đến trò chơi trên máy tính và console (máy chơi game).

Nhà thiết kế trải nghiệm người dùng: Thiết kế giao diện trực quan và hấp dẫn cho các ứng dụng và trang web. Phân tích hành vi và phản hồi của người dùng để cải thiện trải nghiệm người dùng. Thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu để đưa ra nhận định, báo cáo về một vấn đề cụ thể. 

Chuyên gia an ninh mạng: Đảm bảo hệ thống mạng và dữ liệu được bảo vệ khỏi các mối đe dọa và tấn công. 

Kỹ sư trí tuệ nhân tạo: Xây dựng và triển khai các hệ thống trí tuệ nhân tạo, bao gồm học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Phát triển các ứng dụng và giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán cụ thể.

Nhà phát triển công nghệ AR/VR: Tạo ra các ứng dụng và trò chơi sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) hoặc trở thành nhà thiết kế trải nghiệm AR/VR, phát triển trải nghiệm người dùng hấp dẫn và tương tác trong môi trường ảo.

Kỹ sư robotic: Phát triển và thiết kế hệ thống robot cho các mục đích công nghiệp, y tế hoặc tiêu dùng; Lập trình robot, viết mã để điều khiển và lập trình hành vi của các robot.

Chuyên gia đám mây: Quản lý và triển khai các giải pháp đám mây để lưu trữ, xử lý và bảo mật dữ liệu.

Chuyên gia Blockchain: Làm việc với công nghệ blockchain để phát triển các giải pháp bảo mật và ứng dụng trong các lĩnh vực như tài chính, chuỗi cung ứng và hợp đồng thông minh.

Internet of Things (IoT): Nghiên cứu và phát triển các thiết bị và hệ thống kết nối qua Internet để thu thập và trao đổi dữ liệu.

 

Minh Thư

Ấn phẩm Vì trẻ em số 17