Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Nhật Bản tìm cách “tháo nút thắt” cho giáo viên

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Tại Nhật Bản, giáo viên trường công đang phải đối mặt với sức ép lớn do khối lượng công việc quá tải.

Chiharu Kurayama đang giảng dạy tại trường tiểu học Shimoda ở quận Ota, thủ đô Nhật Bản. Một ngày làm việc của cô thường kết thúc sau 20h, muộn hơn nhiều so với giờ làm việc chính thức từ 8h đến 16h30.

Công việc của cô không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy. Với vai trò là điều phối viên giáo dục nhu cầu đặc biệt, cô cần kiểm tra xem những học sinh có nhu cầu đặc biệt đang học tập như thế nào.

Ảnh Bài 1_truongcong_NhatBan_AFP.jpg
Một trường công ở Nhật Bản. Ảnh: AFP

Trong giờ ăn trưa, cô ngồi cùng các em để đề phòng bị bắt nạt hoặc dị ứng thức ăn. Khi lớp học kết thúc vào khoảng 14h, cô giải quyết công việc hành chính và xử lý các cuộc gọi từ người giám hộ của học sinh, những người có thể có thái độ khó chịu. Kurayama tin rằng những nhiệm vụ như vậy không phải là công việc của một giáo viên.

“Những gì không liên quan đến việc dạy các lớp học sẽ tốt hơn nếu được giao cho người khác thuê bên ngoài. Nếu chúng tôi có được một môi trường để tập trung vào việc giảng dạy, chất lượng lớp học có thể được cải thiện và giáo viên sẽ mỉm cười thường xuyên hơn. Nhưng có quá nhiều việc kiêm nhiệm”, cô chia sẻ.

Tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi cô phải tăng thêm khối lượng công việc vốn đã nặng nề của mình, do một số đồng nghiệp nghỉ việc vì các vấn đề sức khỏe tinh thần. Bản thân Kurayama vừa trở về sau gần 2 tháng điều trị chứng suy giảm thính lực do căng thẳng trong công việc.

Kurayama không phải giáo viên duy nhất đối mặt với khối lượng công việc nặng nề tại Nhật Bản. Làm việc ngoài giờ, hoặc hơn 14 giờ một ngày trở thành thông lệ đối với giáo viên trường công.

Các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ và những chuyến dã ngoại với trường càng tạo thêm gánh nặng cho họ. Mặc dù các quy định nêu rõ giáo viên không bị ép buộc phải làm những công việc này, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy bị áp lực phải làm việc nhiều giờ hơn.

Số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy, 64,5% giáo viên tiểu học vượt quá giới hạn làm thêm giờ quy định là 45 giờ/tháng. Đối với giáo viên trung học cơ sở phải giám sát hoạt động câu lạc bộ sau giờ học và cuối tuần, con số này là 77,1%.

Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh số lượng người Nhật mong muốn trở thành giáo viên đang ở mức thấp kỷ lục. Trung bình chỉ 1,1 người nộp đơn cho mỗi vị trí tuyển dụng tại các trường tiểu học công lập ở Tokyo trong năm nay.

Hội đồng giáo dục thành phố cũng cho biết, tính đến tháng 1, họ thiếu khoảng 160 giáo viên tiểu học công lập do nhiều giáo viên nghỉ việc và nghỉ ốm.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục Nhật Bản, 12.192 giáo viên trường công trên cả nước đã nghỉ phép vì các bệnh về tâm lý vào năm 2022, trong khi 953 giáo viên khác nghỉ việc vì lý do tương tự vào năm học 2021.

Khi số lượng giáo viên ngày càng ít hơn, những người tiếp tục theo nghề thấy rằng họ phải làm việc vất vả hơn.

Theo một cuộc khảo sát do Liên đoàn Giáo viên Nhật Bản thực hiện năm 2023, giáo viên ở các trường công phải làm thêm trung bình 96 giờ/tháng.

Điều này khiến họ có nguy cơ bị trầm cảm nặng nề hoặc tử vong do làm việc quá sức. Nhật Bản coi hơn 80 giờ làm thêm là nằm trong vùng nguy hiểm.

Nỗ lực cải cách của Chính phủ

Các nhà chức trách Nhật Bản thừa nhận sự cần thiết phải giải quyết khẩn cấp vấn đề này bằng cách thúc đẩy các cải cách như thuê thêm nhân lực bên ngoài và số hóa một số công việc cũng như tăng cường nhân viên hỗ trợ. Một số trường học, như trường của Kurayama cũng đang chủ động cắt giảm giờ làm.

Hiệu trưởng trường tiểu học Shimoda Kazuhiro Nakamura cho biết, họ đã ngừng tổ chức các lớp học vào chiều thứ tư và tất cả lớp học đều kết thúc sau bữa trưa. “Giáo viên có thể tập trung vào các nhiệm vụ khác vào buổi chiều. Chúng tôi khuyến khích họ nghỉ ngơi và về nhà. Bằng cách đó, họ có thể cảm thấy có động lực để đối mặt những ngày còn lại trong tuần”, ông nói thêm.

Bất chấp những nỗ lực của nhà trường, Kurayama vẫn thấy mình bị sa lầy trong các cuộc họp và không thể nghỉ làm sớm hơn.

Điều này đã thúc đẩy hiệu trưởng Nakamura phải cân nhắc những thay đổi khác, bao gồm việc phát huy thế mạnh của từng giáo viên, như để giáo viên giỏi tư vấn cho học sinh sẽ hỗ trợ người không giỏi.

Nhưng những điều chỉnh như vậy vẫn còn hiếm ở Nhật Bản, chủ yếu là do các trường công trước tiên phải xin phép và nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý giáo dục địa phương.

Với những thay đổi chậm chạp, một số giáo viên đang tự mình giải quyết vấn đề. Takashi Koshimizu, nhà giáo có 18 năm kinh nghiệm, đã thành lập diễn đàn giáo dục, nơi các giáo viên tụ tập để chia sẻ mối quan tâm và học hỏi lẫn nhau. Giáo viên từ các trường khác nhau thay phiên nhau tổ chức vào ngày nghỉ, một số tham gia trực tuyến.

Nhiều người nhận thấy cách tiếp cận sáng tạo và các buổi chia sẻ hữu ích hơn các khóa đào tạo giáo viên thông thường. “Ở đây, mọi người đều thoát ra khỏi vỏ bọc của mình. Chúng tôi trở thành những đứa trẻ và học được rất nhiều điều. Cách tôi nói chuyện với bọn trẻ, cách tôi trò chuyện, tôi đã học được mọi thứ ở đây”, Kurayama cho biết.

Ông Koshimizu gọi tình hình hiện tại là “bất thường”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân chia vai trò giữa các giáo viên và ngăn mọi người đạt đến giới hạn của mình.

Bộ Giáo dục Nhật Bản đang cố gắng khuyến khích nhiều người trẻ hơn tham gia vào ngành nghề này, chẳng hạn bằng cách nới lỏng các yêu cầu để có được giấy phép giảng dạy từ năm tài khóa 2025. Tuy nhiên, các nhà giáo dục và chuyên gia cho rằng điều thực sự cần làm là giảm khối lượng công việc, như thu hẹp phạm vi nhiệm vụ của giáo viên và thuê thêm nhân viên hỗ trợ.

Điều này có thể đòi hỏi phải tăng nguồn tài trợ, nhưng tỷ lệ ngân sách quốc gia cho giáo dục đã giảm trong những năm gần đây, từ 8% năm 2001 xuống còn 4,9% vào năm 2022.

Gần 900.000 người làm trong ngành giáo dục đã ký đơn kiến nghị kêu gọi Chính phủ giảm thời gian làm việc kéo dài không được trả lương của họ.

Trong số những cải cách mà các quan chức Nhật Bản đang xem xét có việc tăng lương như phụ cấp làm thêm giờ. Nhưng đối với một số người, giải pháp này vẫn quá ít, quá muộn. Hơn 12.000 người nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu trong năm học 2022.

Trên cả nước, 64% giáo viên tiểu học công lập cho biết việc thiếu nhân lực dẫn đến tình trạng trẻ em phải tự học mà không có người giám sát. Mối lo ngại ngày càng gia tăng là chất lượng học tập tại các trường học đang ngày càng xấu đi.

Thành Đạt (theo CNA)

Báo Lao động và Xã hội số 86

Tin liên quan