Khảo sát của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa theo kế hoạch chuyên môn và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất trong quý II/2024 trên địa bàn tập trung vào một số nhóm như: Dệt may, giày da, nhựa, bao bì…
Trong quý II/2024, khảo sát tại 300 doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng 6.249 lao động.

Nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất với số lượng 3.177 người, chiếm 50,84% nhu cầu tuyển dụng, tập trung ở nhóm ngành dệt may, giày da, nhựa, bao bì.
Điều này phản ánh nhu cầu của đa số doanh nghiệp sử dụng lao động phổ thông, chưa có tay nghề như các doanh nghiệp may mặc, giày da…
Trong tổng số lao động cần tuyển dụng ở các doanh nghiệp được khảo sát, nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp, có nhu cầu tuyển dụng thấp nhất với tỷ lệ 0,74% tổng nhu cầu tuyển. Đây là nhóm doanh nghiệp mà người lao động ngại xin việc bởi công việc nặng, vất vả và mức lương thấp.
Với nhu cầu về máy móc, các thiết bị công nghệ, điện tử thuộc nhóm ngành sản xuất, sửa chữa, lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp, điện, điện tử được các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đứng thứ hai với số lượng 1.238 người, chiếm 19,81% tổng nhu cầu tuyển dụng; tiếp đến là nhóm ngành, nghề khác: 1.049 người, chiếm 16,79% tổng nhu cầu tuyển dụng.
Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng nghề thuộc nhóm ngành cơ khí, công nghệ ô tô, xe máy là 441 người, chiếm 7,06% tổng nhu cầu tuyển dụng.
Nhu cầu tuyển 166 lao động vào các vị trí thuộc nhóm ngành xây dựng, kiến trúc, gỗ, trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ, chiếm 2,63%.
Bước vào thời kỳ hoạt động du lịch vào mùa hè, nhưng các doanh nghiệp ở vùng biển, khu du lịch đã đảm bảo được số lượng nhân sự phù hợp với tình hình kinh doanh của đơn vị mình, nhu cầu tuyển chỉ có 22 người, chiếm 0,35% tổng nhu cầu tuyển dụng.

Về nhu cầu tìm việc làm của người lao động, tổng hợp sơ bộ 3.100 lao động có nhu cầu tìm việc làm. Trong đó, số lao động là nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới, chiếm 57,39% (1.779 người)
Độ tuổi tìm việc làm từ 18 đến 25 tuổi có 330 người, chiếm 10,6%. Đây là độ tuổi vàng trong cơ cấu tuổi làm việc của người lao động, nên tỷ lệ tìm việc trong nhóm tuổi này thấp hơn nhóm tuổi từ 26 đến 40 (tỷ lệ tìm việc làm chiếm 63,6%).
Trong 3.100 lao động có nhu cầu tìm việc, mong muốn công việc trong lĩnh vực dệt may, giày da, nhựa, bao bì chiếm 43,5% nhu cầu. Nhóm ngành Y tế, lao động tìm việc ít nhất, chiếm 0,1% tổng nhu cầu tìm việc của người lao động.
Hầu hết, người lao động đều mong muốn mức lương từ 5 đến 8 triệu/tháng, chiếm 80,1%. Mức lương từ 10 triệu đến 20 triệu/tháng chiếm 4,8% số. Mức lương từ 20 triệu đến 50 triệu/tháng chiếm 0,7% số ngơời được khảo sát…
Tìm việc trong tỉnh vẫn là ưu tiên của người lao động, bởi yếu tố gần nhà, thuận lợi cho việc chăm sóc gia đình, chiếm 83,51% nhu cầu khảo sát.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong quý trung tâm đã tổ chức hoạt động giao dịch, kết nối việc làm trực tiếp tại đơn vị và lưu động tại các huyện, giúp người lao động có nhu cầu tìm việc làm tiếp cận thông tin thị trường lao động, tìm được việc làm phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu của bản thân để ổn định cuộc sống.
Theo ông Trung, quy mô doanh nghiệp trên địa bàn các huyện tương đối lớn, tuy nhiên nhu cầu tuyển dụng tập trung vào lực lượng lao động phổ thông, lao động thời vụ là chủ yếu.
Nhu cầu việc làm của người lao động với mong muốn mức lương dao động trong khoảng 5 triệu đến 8 triệu đồng/tháng, một số trường hợp người lao động có kinh nghiệm, tay nghề mong muốn mức lương cao hơn nhằm ổn định cuộc sống
“Ngoài các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm đã thực hiện giới thiệu nhân sự phù hợp cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và người lao động có nhu cầu việc làm thông qua việc cung cấp thông tin trên các trang thông tin trực tuyến của đơn vị, nhờ đó người lao động và người sử dụng lao động đều tiết kiệm được khá nhiều thời gian tìm kiếm và chi phí tuyển dụng…”, ông Trung chia sẻ.