Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn hiện nay là việc tuyển sinh, đào tạo nhân lực nhóm ngành này đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Các chuyên gia cho rằng, cần có quy hoạch tổng thể để đón đầu nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực.
Còn đó những khó khăn
Hiện nay, đào tạo khối ngành KHCB chỉ có các trường đại học (ĐH) công lập và hầu hết trong số đó là những trường lớn, có bề dày. Tuy nhiên, hiện có đến gần 50% số ngành KHCB đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì qui mô đào tạo phù hợp với năng lực đội ngũ hiện có, cũng như đáp ứng yêu cầu về tri thức, bồi đắp giá trị khoa học của đất nước.

TS Trịnh Văn Định, Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, từ năm 2017 - 2021, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành KHCB có xu hướng giảm. Đến năm 2022, nhiều ngành đào tạo như: Chính trị học, lịch sử, triết học, văn học, ngôn ngữ học… có chỉ tiêu bằng 50, 60% so với chỉ tiêu năm 2017.
Cùng với sự sụt giảm chỉ tiêu thì điểm chuẩn của các ngành KHCB có khoảng cách khá lớn so với những ngành còn lại. Chỉ tiêu ít hơn, điểm chuẩn thấp hơn là minh chứng cho sự kém hấp dẫn của các ngành KHCB so với các ngành khoa học có tính ứng dụng cao trong tổng thể các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Vấn đề nghiêm trọng nhất trong tuyển sinh là tỷ lệ sinh viên đăng ký các ngành KHCB không phải là lựa chọn thứ nhất, dẫn đến ngay từ đầu sự gắn bó và cam kết học tập không cao. Theo thống kê của phòng đào tạo nhà trường, thí sinh đăng kí nguyện vọng 1 chỉ được 20 - 30% chỉ tiêu tuyển sinh, số còn lại phải tuyển nguyện vọng 2.
“Điều này là thách thức lớn, vì để đào tạo các ngành KHCB, sự hứng thú, say mê của người học là điều kiện tiên quyết để có thể phát triển thành các chuyên gia. Tỷ lệ nhập học, trúng tuyển của các ngành này rất thấp và không ổn định qua các năm. Thêm vào đó, so với trước kia, có rất ít sinh viên các trường chuyên nổi tiếng dự thi vào các ngành KHCB”, TS Định nói.
Đồng quan điểm, PGS,TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, thực tế các trường có đào tạo ngành KHCB trên cả nước đang đối diện với thực trạng tuyển sinh khó khăn vì người học không mặn mà. Nhiều ngành liên tục từ năm 2017 đến nay không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu dù điểm rất thấp.
Trong đó, nhiều ngành chỉ có vài thí sinh nhập học nhưng vẫn phải đào tạo vì đây là nhiệm vụ quốc gia. Cùng với đó là hoạt động nghiên cứu của ngành KHCB, nhất là khối ngành khoa học xã hội cũng gặp nhiều khó khăn trong công bố quốc tế, chảy máu chất xám, thiếu hụt giảng viên và cán bộ nghiên cứu khoa học.
Khó khăn của công tác tuyển sinh và đào tạo nhân lực nhóm ngành KHCB theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, phòng đào tạo, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), đến từ bốn nguyên nhân chính, gồm:
Tính chất khó khăn của nghiên cứu KHCB; sức hút đối với xã hội và người học trong bối cảnh các ngành có tính ứng dụng cao luôn thu hút được thí sinh có chất lượng tốt trong các kỳ tuyển sinh; vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành KHCB chủ yếu là trong đơn vị hành chính, sự nghiệp nên mức thu nhập thấp. Đặc biệt, cơ sở nghiên cứu khoa học của ngành chủ yếu nằm ở khu vực công nên lộ trình nghề nghiệp tương đối dài, cần nhiều thời gian để thăng tiến và khẳng định cũng là rào cản không nhỏ.
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nha Trang chia sẻ: “Từ kinh nghiệm bản thân cũng như nhiều năm làm công tác tuyển sinh, tôi nhận thấy khó khăn lớn nhất chính là việc chúng ta thiếu chính sách ưu đãi, thu hút cho nhân lực nhóm ngành này. Thiếu hụt thông tin, nhận thức trong xã hội về vai trò của KHCB, danh mục tuyển dụng của các cơ quan… cũng tác động tới cơ hội việc làm. Từ đó dẫn đến tâm lý sợ và tránh né theo học nhóm ngành KHCB”.
TS Trần Thái Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, vấn đề chính dẫn tới thực trạng gặp khó khăn trong tuyển sinh các ngành KHCB là do xu thế của xã hội, số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp theo tổ hợp môn khoa học tự nhiên có xu thế giảm trong các năm gần đây, dẫn đến số lượng nguồn cung đầu vào của ngành này giảm.
Cần sự quan tâm của cơ quan Nhà nước
Để thu hút được người vào học ngành KHCB, ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng về lâu dài, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, chẳng hạn chế độ lương tốt, tạo điều kiện và môi trường làm việc để các em yên tâm lựa chọn các ngành KHCB để học tập và mong muốn cống hiến. Đa số thí sinh lựa chọn ngành nghề theo tiêu chí ngành nào lương cao dễ xin việc thì tập trung vào.
“Nếu Nhà nước đặt hàng, có học bổng, vay vốn học tập không lãi suất, bố trí việc làm, chế độ lương bổng và điều kiện làm việc tốt thì chắc chắn các ngành KHCB sẽ thu hút hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có dự báo xu thế phát triển của quốc gia liên quan đến khu vực và thế giới, có chiến lược ngắn hạn và dài hạn từ đó quyết định tập trung phát triển ngành KHCB nào để có chính sách đầu tư mạnh mẽ”, ông Bắc nhấn mạnh.
GS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) nêu quan điểm, ngoài các chính sách học bổng hiện có, Chính phủ cần hỗ trợ các cơ sở đào tạo nhiều hơn bằng cách mở rộng diện miễn, giảm học phí cho sinh viên; đặc biệt là có cơ chế đặt hàng với những ngành KHCB, bởi "KHCB là nền tảng cho sự phát triển bền vững; nếu không đầu tư mạnh mẽ vào các ngành học này, nền tảng sẽ bị lung lay".
Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam, để thu hút người học, thay vì ngồi chờ thí sinh, các trường cần chủ động hơn trong việc truyền thông về hướng nghiệp; tăng cường liên kết với các tổ chức doanh nghiệp để gắn khoa học với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.
Giải pháp cho vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, các trường ĐH cần phải quan tâm tới những ngành nghề gì thực sự xã hội đang có nhu cầu lớn, đồng thời, khảo sát để có số liệu chính xác khi xây dựng chính sách, mở chương trình đào tạo.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp giữa các trường ĐH với trường THPT để các em học sinh hiểu rõ những ngành rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Ngoài ra, cũng cần sự quan tâm của cơ quan Nhà nước để đầu tư, hỗ trợ cho những ngành như KHCB, Toán học và những ngành Kỹ thuật công nghệ để giảm bớt những khó khăn cho sinh viên khi các em vào trường;
Sự đồng hành của các cơ quan truyền thông giúp học sinh có đủ thông tin, từ đó nhận thức đúng đắn hơn về việc lựa chọn ngành, nghề vừa phát huy tối đa năng lực bản thân, vừa phụng sự tốt hơn cho sự phát triển của đất nước.
Nhiều chuyên gia đề xuất Nhà nước cần có những tính toán cụ thể cho việc đầu tư phát triển lâu dài các ngành KHCB ở cả hai phương diện đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đầu tư nghiên cứu là một cách tạo “đầu ra” cho các nhà nghiên cứu khoa học, nhưng nếu bỏ qua việc đầu tư cho đào tạo đội ngũ nhân lực KHCB tại các trường đại học, viện thì sẽ là thiếu sót rất lớn trong chính sách phát triển các ngành KHCB. |
Thanh Hòa
Báo Lao động và Xã hội số 99