Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Tháo gỡ “điểm nghẽn” hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã kịp thời đến với người dân và doanh nghiệp để giải quyết khó khăn.

Ngày 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025.

Đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân

Tiếp tục Phiên họp thứ 38, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt.

Tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - 1
Phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/10.

Báo cáo cho thấy tốc độ tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng, an ninh lương thực; không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu, bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Dũng, phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia tiếp tục được tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư.

Đã hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 2.021km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Cùng với đó là quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; nâng cao đời sống vật chất, tỉnh thân và sức khỏe nhân dân...

Chính phủ dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 có 6 quan điểm chỉ đạo, điều hành; mục tiêu tổng quát và 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP;

GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3 - 5,5%...

Một số “điểm nghẽn” chưa được tháo gỡ hiệu quả

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tình hình KT-XH nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức.

Tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện.

Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng 5,8%, thấp hơn so với mức tăng 7,8% của cùng kỳ năm 2023.

 Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.  Tính chung 9 tháng năm 2024, bình quân một tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng năm là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023.

Vẫn còn 31/44 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng dưới mức trung bình chung của cả nước.

Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao; Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận.

Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở dù có nhiều nỗ lực, cố gắng song kết quả chưa như kỳ vọng.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra một số “điểm nghẽn” chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. 

Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là bão số 3 đã gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản và có thể tác động tiêu cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo của nước ta....

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang khó khăn

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 của Chính phủ;

Đồng thời nhấn mạnh thị trường vàng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, dù Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh giá vàng trong nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quản lý, chấn chỉnh để thị trường vàng trong nước và quốc tế có mức giá không quá chênh lệch.

Bà Lê Thị Nga cũng cho rằng, thị trường bất động sản đang rất "nóng" và có diễn biến rất phức tạp; giá nhà đất và chung cư lên rất cao khiến người lao động khó tiếp cận.

Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý tốt về giá, giúp thị trường bất động sản hoạt động ổn định. Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm, cần đẩy nhanh ban hành các văn bản hướng dẫn để luật nhanh chóng đi vào đời sống.

Nhắc đến vấn đề tội phạm trên không gian mạng ngày càng gia tăng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng trên, hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia mạng xã hội.

 Về vấn đề phòng, chống tham nhũng, thời gian qua, chúng ta đã làm rất tốt nhưng việc phòng tham nhũng thì vẫn còn nhiều hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, năm nay chúng ta đã đạt 14/15 chỉ tiêu; mục tiêu tăng trưởng KT-XH từ 6,8 đến 7% rất khả quan, là kết quả mà Quốc hội và nhân dân rất mừng và tin tưởng vào bức tranh kinh tế của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã kịp thời đến với người dân và doanh nghiệp để giải quyết khó khăn. Đặc biệt, trong đợt bão lũ vừa qua, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi".

Trong thời gian ngắn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kêu gọi toàn dân đóng góp, ủng hộ bà con vùng lũ với số tiền lên đến hơn 5.000 tỷ đồng - một thành công rất lớn, là bài học kinh nghiệm cần phát huy. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn nhưng do giá lên cao nên khó tiếp cận. Nhiều nơi, nhà ở thương mại được xây nhưng không có người ở cũng là vấn đề phải xem xét, tìm hướng giải quyết.

Bên cạnh đó, việc nhiều dự án về đất đai tại các địa phương bị ách tắc cần có hướng giải quyết hiệu quả; đồng thời cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đang khó khăn.

"Cần vực dậy thị trường vốn giúp người dân và doanh nghiệp có thể vay để phát triển kinh doanh", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chính phủ dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP;

GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3 - 5,5%...

Châu Giang

Báo Lao động và Xã hội số 122

Tin liên quan