Và cũng từ sới vật làng, nhiều vận động viên chất lượng cao đã được chọn tham gia thi đấu tại đấu trường quốc tế, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Sinh ra là biết… vật
Hàng năm, cứ ngày mùng 6 đến 10 tháng Giêng, người dân làng Bùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) lại hào hứng tham gia Hội vật truyền thống. Hội vật làng Bùng nhằm tưởng nhớ công ơn Thành Hoàng làng Bùng là tướng quân Phùng Thanh Hòa, đời vua Lý Nam Đế.

Người đã có công tập hợp nghĩa sĩ trong vùng luyện tập võ nghệ, giúp vua chống lại giặc Lương và truyền kế sinh nhai, dạy võ vật cho trai tráng làng Bùng. So với các hội vật ở các xã xung quanh, Hội vật làng Bùng có lịch sử lâu đời nhất và vẫn giữ được nhiều nét truyền thống.
Nhằm duy trì hội làng và hướng đến sự phát triển môn vật, những năm gần đây, phong trào rèn luyện sức khỏe bằng môn vật cổ truyền ở xã Phùng Xá phát triển rộng khắp. Những người đam mê môn thể thao truyền thống có xu hướng tập hợp thành nhóm, mở câu lạc bộ tập luyện thường xuyên, dưới sự hướng dẫn của các thế hệ đi trước.
Những năm qua, sới vật làng Bùng đã cung cấp cho đội tuyển thành phố và quốc gia hàng chục vận động viên, giành được trên 100 huy chương các loại, nhiều vận động viên được phong cấp kiện tướng Quốc gia như: Vương Văn Thanh, Phùng Khắc Hùng, Nguyễn Bá Nam, Cấn Tất Vinh, Ngô Đình Long, Phùng Khắc Huy, Cấn Tất Dự...

Ở Phùng Xá, ai ai cũng tự hào bởi ở đội tuyển vật Hà Nội có cặp cha con Cấn Tất Vinh - Cấn Tất Dự nổi tiếng trên ở vai trò huấn luyện viên và vận động viên. Ông Cấn Tất Vinh vốn là đô vật nổi tiếng của Hà Tây (cũ), làm công tác tuyển chọn vận động viên năng khiếu cũng như huấn luyện đội vật dân tộc Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình, ở vùng quê giàu truyền thống với môn vật, từ nhỏ cậu bé Cấn Tất Dự đã sớm bộc lộ năng khiếu cũng như đam mê với bộ môn này. Lại được sự hướng dẫn những đòn, miếng tấn của bố, Dự càng ngày càng đam mê môn vật.
Khi Dự 14 tuổi, gia đình ủng hộ cậu đi theo con đường thể thao thành tích cao. Được tạo điều kiện luyện tập từ bé cùng với năng khiếu, đam mê và quyết tâm cao, đô vật Cấn Tất Dự đã đạt nhiều thành tích. Tại sân chơi Đông Nam Á hay trong nước, Cấn Tất Dự luôn vô đối ở hạng 74kg như 5 lần vô địch SEA Games các năm: 2011, 2013, 2019, 2022 và 2023.
Cũng tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, đô vật Phùng Khắc Huy - cũng là người con thôn Bùng đã thi đấu rất xuất sắc ở hạng cân 57kg và giành Huy chương Vàng (HCV).
Huy chia sẻ: “Ở quê tôi, đứa trẻ nào cũng biết đấu vật. Cứ mùng 6 tết, môn đấu vật lại có trong lễ hội làng. Hơn nữa trong gia đình, bố và chú đều là vận động viên đấu vật chuyên nghiệp nên tôi cũng được truyền ngọn lửa đam mê. Môn thể thao này đã ngấm vào máu từ khi còn rất nhỏ”.
Năm lớp 7, Huy chính thức theo học đấu vật chuyên nghiệp tại Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao Hà Nội. Huy từng xuất sắc đạt giải vô địch toàn quốc, vô địch Đông Nam Á nhờ năng khiếu bẩm sinh và chăm chỉ tập luyện mỗi ngày.

“Vận động viên Cấn Tất Dự là con trai của dì tôi, đã nhiều lần tham dự SEA Games và giành HCV. Dự là niềm tự hào của cả làng và mẹ thường nói mong tôi được như Dự. Tôi luôn ghi nhớ câu nói của mẹ để cố gắng mỗi ngày và giấc mơ đã thành hiện thực khi giành được HCV tại SEA Games 31”, Huy kể.
Đến tranh tài tại đấu trường Olympic
Trong danh sách đội tuyển vật Việt Nam từng tham dự Olympic, một số người được thắp lửa đam mê, trưởng thành từ những sới vật làng như: Phí Hữu Tình, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Thị Lụa...
Trong số này, đô vật Phí Hữu Tình đã mang về trận thắng duy nhất cho vật Việt Nam tại Thế vận hội Mùa hè 1980. Tiếp bước cha chú, đô vật Nguyễn Thị Lụa (huyện Quốc Oai, Hà Nội) từng giành vé dự Olympic năm 2012 và 2016, Huy chương Bạc (HCB) Á vận hội năm 2010 và cũng là đô vật Việt Nam duy nhất từng hai lần liên tiếp giành vé dự Olympic.
Nguyễn Thị Lụa sinh năm 1991 tại làng Yên Nội, Đồng Quang, huyện Quốc Oai - nơi được biết đến là địa phương giàu truyền thống nhất của môn đấu vật tại Việt Nam.
Ngày 12/2 âm lịch hàng năm, hàng trăm đô vật khắp cả nước lại quy tụ trên sới vật nơi đây, làm thành ngày hội vật làng Yên Nội. Cũng như bao đứa trẻ, từ nhỏ Lụa đã ham chơi vật. Năm 2003, Lụa bắt đầu đăng ký học vật tại trường cấp II do Sở VH-TT&DL Hà Tây tuyển chọn.

Ngoài những buổi học văn hóa, Lụa miệt mài luyện tập môn vật, thậm chí có những hôm trốn học thêm để đi tập. Có năng khiếu đặc biệt cùng với đam mê, chăm chỉ luyện tập, chỉ sau một năm luyện tập, Lụa được gọi lên đội tuyển tỉnh và chính thức theo đuổi sự nghiệp thi đấu vật.
Vượt qua bao khó khăn trong tập luyện cùng quyết tâm trong thi đấu, thành quả đến với Lụa. Năm 2004, Lụa có được tấm Huy chương Đồng (HCĐ) đầu tiên tại Giải trẻ toàn quốc 2004 hạng 43kg. Đến năm 2006, Lụa giành HCV hạng 48kg Giải trẻ toàn quốc.
Năm 2007, cô gái được gọi vào đội tuyển quốc gia và cũng trong năm đó đoạt HCĐ Giải trẻ châu Á. Năm 2009, Lụa đoạt cùng lúc một HCĐ và một HCB Giải vô địch và Giải trẻ châu Á. Đỉnh cao thành tích của Lụa là hai lần dự Olympic (2012 và 2016) và tấm HCB ASIAD 2010.
Thành công không tự nhiên mà có, để đạt vinh quang, được đứng trên bục nhận huy chương cao nhất đôi khi phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Nguyễn Thị Lụa, cô gái vàng của làng đô vật Việt Nam đã bất chấp chấn thương, vượt lên đau đớn để giành những tấm huy chương danh giá cùng hai lần dự Olympic.
Với Lụa, môn vật như một người bạn cùng cô bước qua thời khắc vinh quang cũng như lúc khó khăn nhất của cuộc đời. Giã từ sự nghiệp thi đấu, từ năm 2019, cô đã chuyển sang công việc huấn luyện viên với mong muốn tiếp tục góp sức giúp môn vật ngày càng phát triển...
Ông Tạ Tùng Đức, phụ trách bộ môn Vật (Cục Thể dục thể thao, Bộ VH-TT&DL) đồng thời là Tổng Thư ký Liên đoàn Vật Việt Nam ghi nhận, những vận động viên trưởng thành từ địa phương có truyền thống môn vật sẽ tiến bộ rất nhanh vì họ được tiếp cận, làm quen với phong trào luyện vật từ nhỏ. Không chỉ có thể chất phù hợp với môn vật mà họ còn phát huy những thế vật hay học được từ cha, chú của mình.
Liên đoàn Vật Việt Nam cho biết, thời gian tới, Liên đoàn sẽ chung tay với các địa phương thúc đẩy phong trào tập luyện môn vật thông qua hỗ trợ tổ chức, tuyên truyền các giải vật truyền thống, các hội vật làng trên mạng xã hội.
Qua đó, phong trào vật ở địa phương được gìn giữ, phát triển và thu hút đông đảo người tham gia tập luyện, đặc biệt là trẻ em. Đây cũng là cách để gìn giữ, nhân lên giá trị của các sới vật hội làng, vốn không thể thiếu trong đời sống của nhân dân mỗi dịp xuân về.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 16