Vì thế, Hà Nội không ngừng hiện lên tươi mới, đầy màu sắc qua lăng kính âm nhạc.
Nhắc đến những ca khúc viết về Hà Nội luôn là hình ảnh quen thuộc trong các bản nhạc trữ tình, với những ngõ nhỏ, phố nhỏ, cái duyên dáng của một thoáng sông Hồng, sự lãng mạn của chiều thu lá đổ và cái chất tâm tình của người Hà Nội...
Những cái tên như: “Thương về Hà Nội” (1949), “Có phải em là mùa thu Hà Nội” (1970), “Nhớ mùa thu Hà Nội” (1985), “Em ơi Hà Nội phố” (1986), “Hà Nội trái tim hồng” (1987), “Hà Nội đêm trở gió” (1993)… đều mang lại những cảm xúc đặc biệt, ấn tượng và sâu lắng.

Trong đó, ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi sáng tác năm 1947 - thời điểm “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời” khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu nổ ra.
Được sáng tác trong cùng một thời kỳ nhưng “Hướng về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Dương có giai điệu buồn da diết còn “Người Hà Nội” lại mang âm hưởng mạnh mẽ, nhắc nhớ những con người hào hoa, phong nhã luôn vùng lên đấu tranh để giữ hòa bình cho quê hương.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã tạo nên “Người Hà Nội” với tất cả tình cảm son sắt và sự phóng khoáng trong tâm hồn của người Tràng An. Những địa danh nổi tiếng được đưa vào bài hát như: Hồ Gươm, hồ Tây, Ô Chợ Dừa, phố cổ… làm hiện lên trong tâm trí của người nghe một Hà Nội “lắng hồn núi sông ngàn năm” và “đượm thắm máu hồng tươi” của biết bao thế hệ đã ngã xuống.
Hay ca khúc “Nhớ tuổi thơ Hà Nội” được nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác năm 1986, khi con trai ông đi xa. Nỗi nhớ con da diết trong một buổi chiều đã tạo cảm xúc cho ông viết nên những câu hát đơn sơ, nồng nàn khiến bao thế hệ người nghe chạnh lòng mỗi khi phải rời xa Hà Nội.
“Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội” - câu hát mở ra hành trình tìm về ký ức tuổi thơ với “những chiều chiều đội mưa, lũ bạn bè ngày xưa, trốn học đi tìm thơ”. Từng con đường, từng khu phố, mái nhà đều gắn với kỷ niệm mang tên “tuổi thơ tôi Hà Nội” của chàng trai trong bài hát.
Một Hà Nội hiện lên trong nhịp sống thân quen nhưng cũng đầy chất thơ trong ca khúc “Nồng nàn Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, một Hà Nội giản dị mà sôi động trong ca khúc “Hà Nội trà đá, vỉa hè” của Đinh Mạnh Ninh, một Hà Nội phố đặc biệt trong “Phố không mùa”, “Hà Nội mùa lá bay” của Dương Trường Giang.
Hay “Hà Nội 12 mùa hoa” lãng mạn mà cũng đầy sức sống trong âm nhạc Giáng Son... Rất nhiều nhạc sĩ viết về Hà Nội, với đủ cung bậc cảm xúc, phong cách. Những ca khúc về Hà Nội được các nhạc sĩ trẻ sáng tác gần đây cho thấy góc nhìn về Hà Nội lãng mạn nhưng gần gũi, giàu sức trẻ, có trăn trở, có hoài niệm nhưng cũng đầy tin yêu, lạc quan.
Mới đây nhất, nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung vừa ra mắt bộ đôi tác phẩm “Thanh âm Hà Nội” và “Cô đơn giữa Hà Nội” nhằm gửi lời tri ân và tình cảm của người con Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội nên nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung đã chắt lọc những hình ảnh đẹp, ký ức và đặt vào ca khúc về Hà Nội của mình niềm tin, tự hào và nhiều khát khao, hy vọng.
Trong ca khúc “Thanh âm Hà Nội” mang trong mình một giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng và mang đậm chất tự sự, như lời tâm tình về nỗi nhớ Hà Nội tạo nên không gian âm nhạc đầy cảm xúc và hoài niệm. Những âm hưởng, giai điệu đó như thôi thúc người nghe trở về những ký ức đẹp nhất về Hà Nội.
“Hà Nội luôn mang vẻ đẹp rất riêng, rất đặc biệt. Tiếng cười nói, tiếng rao hàng, tiếng xe cộ hòa quyện vào nhau, tạo nên một bản hòa ca phố phường đầy sức sống. Hà Nội không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên mà còn bởi cái hồn của người Hà Nội, cái tình của con người nơi đây.
Đó là những nụ cười hiền hòa, ánh mắt thân thiện, những câu chuyện nhỏ nhặt nhưng đầy tình cảm. Hà Nội còn là sự phát triển vươn lên không ngừng, đổi mới và hiện đại trong sự vươn lên chiến thắng của lớp lớp thế hệ cha anh mang đến “nụ cười Thủ đô tỏa sáng Việt Nam” như câu kết trong bài hát”, nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung chia sẻ.
Vũ Hà
Báo Lao động và Xã hội số 123