Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Thiếu vắng những sáng tác dành cho trẻ em mang hơi thở thời đại

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Âm nhạc được xem là một thành tố quan trọng trong nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người, đặc biệt với trẻ em. Tuy nhiên hiện nay, âm nhạc thiếu nhi đang thiếu vắng những tác phẩm mới, hay và phù hợp với thời đại để có thể “sống” được trong lòng công chúng.

Đừng bắt thiếu nhi phải hát nhạc của người lớn

Nhiều thế hệ thiếu nhi trước đây đã “nằm lòng” những bài hát như: “Cháu yêu bà”, “Em là hoa hồng nhỏ”, “Cả nhà thương nhau”, “Ngày đầu tiên đi học”… của các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Phong Nhã, Trịnh Công Sơn, Trương Quang Lục…

132778848867846148_DSC01952.jpg
Thiếu nhi hôm nay cần thêm nhiều ca khúc mới. Ảnh minh họa.

Trước đây, có rất nhiều chương trình ca múa nhạc thiếu nhi, hoạt động âm nhạc thiếu nhi rất sôi động trên các sân khấu, tại các địa phương. Loa phát thanh ở các khu phố, các trường học luôn phát nhạc thiếu nhi. Trên truyền hình cũng ưu tiên phát nhạc thiếu nhi vào khung “giờ vàng”, như chương trình “Những bông hoa nhỏ”.

Đặc biệt, các nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi luôn nhận được sự ủng hộ, sự trân trọng của cơ quan chức năng cũng như khán giả. Với nguồn lực, sự quan tâm, kênh phát hành rộng khắp nên những bài hát thiếu nhi được lan tỏa và trở nên quen thuộc đối với trẻ em. 

Nhưng lâu nay ít thấy những ca khúc hay dành cho trẻ em được lan tỏa, phổ biến rộng rãi. Ca khúc thiếu nhi mới khan hiếm trầm trọng, kho tàng âm nhạc thiếu nhi ngày càng thiếu những giai điệu tươi vui, trong sáng, đúng với lứa tuổi.

Hiện nay, chương trình cho thiếu nhi trên đài phát thanh và truyền hình đều bị hạn chế rất nhiều, thị trường âm nhạc thiếu nhi có phần lép vế. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, chứng kiến ngày càng nhiều trẻ em hát những bài hát dành cho người lớn, với những ca từ về tình yêu, về chia ly, đau khổ... không ít người “giật mình”. 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng phát biểu: “Đừng bắt thiếu nhi phải hát nhạc của người lớn! Tại sao hiện nay quá thiếu ca khúc viết cho thiếu nhi. Số tác giả dành tâm huyết cho nhạc thiếu nhi rất ít ỏi, trong khi các em mới là đối tượng rất cần, rất đáng được thụ hưởng và định hướng về thẩm mỹ âm nhạc”.

Mối lo của nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng là trăn trở của nhiều người. Hiện nay, số lượng nhạc sĩ quan tâm sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi không nhiều, dẫn đến hiện tượng thiếu nhi luôn phải "gồng lên" hát những ca khúc người lớn. 

Thực tế cho thấy, không phải nhạc sĩ nào cũng có khả năng sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. Theo nhạc sĩ Đoàn Đăng Đức, người sáng tác nhạc cho thiếu nhi cần phải có tình yêu đặc biệt với tuổi thơ, phải có một tâm hồn thật trong sáng, khi sáng tác ca khúc phải hóa thân vào chính các em mới có thể sáng tác được những tác phẩm đi vào tâm hồn và cuộc sống của lứa tuổi này.

Làm mới những ca khúc thiếu nhi “kinh điển”

nhom nhac Dragon.jpg
Nhóm Dragon Plus hát nhạc thiếu nhi.

Người lớn hát nhạc thiếu nhi chính là làn gió mới làm sống dậy tình yêu với những ca khúc thiếu nhi “kinh điển”. 

Mấy năm trước, tại Hà Nội có một đêm nhạc thiếu nhi hoành tráng tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô với sự tham gia của nhiều tên tuổi, trong đó có Diva Hồng Nhung. Đêm nhạc đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều khán giả.

Năm 2022, nhóm nhạc Dragon Plus nổi lên như một hiện tượng khi hát nhạc thiếu nhi theo phong cách mới, trẻ trung, đa dạng, linh hoạt. Có bài hát Nhóm đưa tiết tấu hiện đại và cả rap vào bản phối khí mới, có bài được phối với nhạc jazz, hoặc kết hợp với nhạc cụ dân tộc đã được cả người lớn và trẻ em hưởng ứng nồng nhiệt.

Nhóm nhạc Dragon Plus thể hiện những ca khúc thiếu nhi gắn với tuổi thơ của thế hệ 7x, 8x với mong muốn những khúc ca đã vượt qua thử thách thời gian sẽ tiếp tục làm cầu nối các thế hệ trong gia đình Việt Nam hiện nay.

Nhóm đã thực hiện một số dự án như: “Vé đi tuổi thơ” và “Phiếu nhạc quý IV” đã biểu diễn tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhà nhạc sỹ Phạm Tuyên, phố đi bộ Phùng Hưng, một số tụ điểm ca nhạc khác. 

Ca sĩ Khôi Minh (nhà báo Nguyễn Mạnh Hà) - Trưởng nhóm nhạc Dragon Plus chia sẻ: “Chúng tôi hạnh phúc khi hát nhạc thiếu nhi “kinh điển” được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Như đêm “Vé đi tuổi thơ” 2 tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội, có nhiều phụ huynh đã đưa con cháu cùng đến nghe. Chúng tôi mừng rỡ khi hầu hết khán giả nhỏ tuổi đến với chương trình rất thuộc các bài hát thiếu nhi xưa và nhiệt tình tương tác hát theo.

Điều này chắc chắn là kết quả của giáo dục âm nhạc trong nhà trường cũng như sự lưu truyền các bài hát thiếu nhi từ thế hệ bố mẹ tới con cái. Đó là điều Dragon Plus mong muốn: Nối lại dòng chảy thế hệ thông qua âm nhạc và làm sao để trẻ em Việt đừng quên những bài hát Việt cũng như có thêm nhiều tác phẩm mới, hay cho con trẻ”. 

Dragon Plus không chỉ lựa chọn biểu diễn các ca khúc thiếu nhi mà nhóm còn thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa cho trẻ em như đi hát cho trẻ em không lấy thù lao, dạy hát cho bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Nhi Trung ương, quyên góp sách tặng trẻ em. 

Sắp tới, ngoài việc chú trọng biểu diễn những bài thiếu nhi quen thuộc, nhóm Dragon Plus sẽ giới thiệu những bài hát thiếu nhi mới. Hy vọng, những đóng góp nhỏ bé của nhóm sẽ khiến các nhạc sĩ, ca sĩ chú ý tới mảng sáng tác và biểu diễn cho thiếu nhi nhiều hơn.

Hồng Nga

Ấn phẩm Vì trẻ em số 11