Từ “Mùa xuân đầu tiên”
Trong số bài hát về mùa xuân, bài được hát nhiều nhất suốt những năm qua là "Mùa xuân đầu tiên" sáng tác dịp giáp Tết Bính Thìn năm 1976 của nhạc sĩ Văn Cao.
Đây là mùa xuân đầu tiên nước nhà thống nhất, trong niềm vui hòa bình, đoàn tụ đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Văn Cao viết lên những lời ca tràn đầy cảm xúc với giai điệu du dương, sâu lắng: "Rồi dặt dìu, mùa xuân theo én về. Mùa bình thường, mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một trưa nắng cho bao tâm hồn…".

Họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao kể, vào một ngày giáp tết năm 1976, mùa xuân đầu tiên sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp, khi đến thăm cha, ông ngạc nhiên khi thấy cha ngồi bên cây đàn dương cầm.
Sau một thời gian dài vắng bóng, kể từ khi viết “Tiến về Hà Nội” (năm 1948), nhiều người những tưởng Văn Cao đã khép lại công việc sáng tác ca khúc. Nhiều năm sau đó, ông làm thơ, viết khí nhạc, vẽ minh họa để kiếm sống.
Và “Mùa xuân đầu tiên” đã ra đời với giai điệu valse nhẹ nhàng, dìu dặt khiến lòng người trở nên thư thái với những cung bậc xúc cảm chân thành, dung dị về một mùa xuân độc lập đầu tiên của đất nước, của dân tộc.
Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác không nhiều (khoảng 50 ca khúc) nhưng hầu hết tác phẩm đều ở lại rất lâu trong lòng người yêu nhạc. Trong gia tài âm nhạc của ông, “Mùa xuân đầu tiên” đã trở thành tuyệt phẩm. Nói về mùa xuân, với Văn Cao là một mùa xuân cực kỳ bình dị “với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông”, là “một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”.
Một bức tranh thanh khiết, trong sáng, in đậm nét thiên nhiên của làng quê Việt Nam với những thanh âm quen thuộc, gần gũi. “Mùa xuân đầu tiên” ấy, với Văn Cao, bên cạnh niềm vui lớn của toàn dân tộc, là giọt nước mắt ấm áp ngày hội ngộ.
Nhưng phải đến gần hai mươi năm sau, khi nhạc sĩ Văn Cao đã mất thì “Mùa xuân đầu tiên” mới đến với công chúng một cách rộng rãi và có sức lan tỏa mãnh liệt.
Giờ đây, giai điệu dặt dìu, khoan thai của “Mùa xuân đầu tiên” mỗi lần được cất lên lại làm xao xuyến bao trái tim người yêu nhạc trong mỗi dịp tết đến xuân về, góp phần khẳng định giá trị đích thực, vững bền trong nền âm nhạc Việt Nam.
“Lắng nghe mùa xuân về” trên đất Bắc
Trong từng ca từ vang lên, “Lắng nghe mùa xuân về” của nhạc sĩ Dương Thụ thấm đẫm hình ảnh tết của Hà Nội xưa nói riêng và miền Bắc nói chung. Đó là cánh đào hé nở, là giọt mưa xuân tí tách bên thềm nhà, ở đó là chút gì thật tĩnh lặng của thời khắc giao thừa, có một nét gì rất tinh tế, tĩnh lặng của mùa xuân xứ Bắc…
Nhưng một điều đặc biệt là ca khúc này lại được nhạc sĩ Dương Thụ viết ở Sài Gòn năm 1998, khi ông đã xa Hà Nội 20 năm.
Giai điệu bài hát mỗi khi vang lên mang đến không khí tết rất đặc biệt, như hòa vào không gian cùng với trời đất đón chào mùa xuân mới với "Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường. Mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng. Và em đợi anh đợi anh như đã hẹn.
Nghe trong mưa đêm mùa xuân lặng lẽ sang". Theo nhạc sĩ Dương Thụ, người đầu tiên thể hiện ca khúc này là Trang Kim Yến - ca sĩ thành danh từ trước năm 1975 ở Sài Gòn. Tuy nhiên, phải đến khi Hồng Nhung đem ca khúc này lên chương trình “Làn sóng xanh”, khán giả mới biết đến nhiều.
Giọng hát kỹ thuật nhưng vẫn đầy cảm xúc của Hồng Nhung như thổi hồn vào trong ca khúc khiến người nghe cảm nhận từng bước đi khẽ khàng của mùa xuân. Chỉ một thời gian ngắn, ca khúc được nhiều ca sĩ thể hiện, trong đó thành công nhất là Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà và Bằng Kiều.
Nhạc sĩ Dương Thụ từng sáng tác rất nhiều ca khúc về mùa xuân như “Bài hát ru mùa xuân”, “Đánh thức tầm xuân”, “Hơi thở mùa xuân” (viết chung với Nguyễn Cường) nhưng không ca khúc nào sánh được với “Lắng nghe mùa xuân về”. Ca khúc khiến người nghe có cảm giác lưu luyến những ngày tháng cũ vừa trôi qua, đồng thời tin tưởng vào ngày mai “chứa chan niềm tin yêu”.
Gần 30 năm kể từ khi ra đời, “Lắng nghe mùa xuân về” đã trở thành một trong những bản nhạc xuân được yêu thích với giai điệu ngân vang gợi nhớ về ngày sum họp, đoàn viên.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (70 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều năm nay, mỗi lần nghe giai điệu “Và chúng ta lại đón giao thừa. Phút giây lặng lẽ mong chờ, lắng nghe mùa xuân về...” tôi chợt như trẻ lại, sống lại những ngày tết xưa và dường như mình vẫn như đứa trẻ nôn nao chờ tết…”.
Đến những ngày tết rộn ràng mang phong vị phương Nam
Cuối năm, những giai điệu nhộn nhịp, vui tươi của ca khúc “Ngày tết quê em” của nhạc sĩ Từ Huy "Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi!..." vang lên khiến người nghe cảm thấy bồi hồi và rạo rực như tết đang đến rất gần.
Bài hát “Ngày tết quê em” được nhạc sĩ Từ Huy sáng tác năm 1994. Ngay khi ra đời, bài hát không chỉ được người dân trong nước mà đông đảo người Việt ở nước ngoài yêu thích bởi từng giai điệu nhắc đến những kỷ niệm tết êm đềm bằng ca từ mộc mạc, chân chất.
Bài hát như cuốn phim hồi tưởng, đưa người nghe đến với những tập tục thiêng liêng của ngày tết cổ truyền Việt Nam qua các hình ảnh như: “Pháo xuân”, “đi sắm Tết”, “người đi thăm, đi viếng, đi chơi”, “đi lễ chùa”, “về chung vui bên gia đình”…
Trong “Ngày tết quê em”, Từ Huy đã chọn lối khai thác riêng với giai điệu vui tươi, mang hơi thở của cuộc sống mới, thời đại mới, với tiết tấu hân hoan theo nhịp trống lân, nhịp múa sư tử. Chỉ một chữ tết được lặp đi lặp lại cũng làm lòng người náo nức, bồi hồi, xao xuyến và những lời chúc thắm thiết…
Điều đặc biệt là ca khúc đã giúp gia đình nhạc sĩ Từ Huy có thêm phần thu nhập trong những năm tháng khó khăn, đây cũng là bài hát mà ông nhận được nhuận bút nhiều nhất thời điểm ấy. Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, những năm khi bài hát ra đời, nhạc sĩ không có tiền tác quyền từ nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại như bây giờ mà lĩnh tiền bán băng cassette và video.
Hồi ấy, nhạc sĩ Từ Huy nhận tiền video nhạc xuân 300.000 đồng, còn album cassette 120.000 đồng, số tiền thời đó gấp hàng chục lần tiền lương của một cán bộ, công nhân viên.
Một ca khúc mùa xuân, mùa tết nữa rộn ràng không kém là “Đoản xuân ca” của nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác năm 1975. Với tiết tấu nhanh, giai điệu rộn ràng, ca từ mang nhiều ý nghĩa, "Đoản xuân ca" trở thành ca khúc không thể thiếu của mọi nhà.
Mỗi khi giai điệu của ca khúc được bật lên, khán giả ở mọi lứa tuổi ngân nga theo lời ca với sự háo hức, nhịp tim vang theo từng nhịp của tiếng trống chiêng rộn ràng ngày tết: "Nghe xuân sang thấy trong lòng chứa chan, tiếng pháo vui vang đó đây nghe rộn ràng".
Hay “Mùa xuân ơi” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cũng vậy, mỗi lần vang lên lại khiến người con xa quê náo nức, bồi hồi khi nhớ về tết quê nhà…
Đây là ca khúc nhẹ mang tiết tấu rộn ràng, vui tươi cùng lời nhạc vỏn vẹn 20 câu nói lên khát vọng về một dân tộc ấm no, về mùa xuân bình yên, tươi đẹp: “Xuân xuân ơi xuân đã về/ Có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến/ Xuân xuân ơi xuân đã về/ Tiếng chúc giao thừa mừng đón mùa xuân”.
Cái tài của Nguyễn Ngọc Thiện là đã cô đọng những ký ức về ngày tết từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành trong lời bài hát. Theo nhạc sĩ, đặc thù của Tết Nguyên đán là tết đoàn tụ.
Dù đi đâu xa, đến ngày tết là tất cả đều trở về, dù nghèo, giàu hay bận rộn ở phương trời nào. Với ông, tết dù được chuẩn bị cầu kỳ hay đơn giản, trọn vẹn nhất vẫn là được sum vầy bên gia đình, tận hưởng không khí lễ hội, ôn lại chuyện cũ và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ.
Tết trở thành nét đẹp văn hóa trường tồn, có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người Việt Nam, được thế hệ cha ông sáng tạo, giữ gìn, truyền lại qua bao thế hệ.
Đăng Khoa
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ