Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gồm: 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 6 trung tâm GDNN - Giáo dục từ xa và 2 trung tâm GDNN tư thục.
Trong đó, Trường cao đẳng nghề Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư để đến năm 2025 trở thành một trong 70 trường chất lượng cao của cả nước có các nghề đào tạo đạt chuẩn quốc tế, ASEAN và chuẩn quốc gia.

Thời gian qua, các trường nghề của tỉnh đã tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp lớn trong đào tạo nguồn nhân lực, như hoạt động hợp tác giữa Trường cao đẳng nghề Yên Bái và Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng.
Mỗi năm, toàn tỉnh Yên Bái đào tạo nghề cho trên 20.000 lao động có thể cung ứng đủ nhu cầu về lao động cho các doanh nghiệp (có dự án đầu tư tại tỉnh) trong các ngành, nghề: Dệt, may, da giầy, lắp ráp ô tô, xe máy, lắp ráp linh kiện điện tử… giải quyết việc làm cho 20.000 - 22.000 lao động;
Chuyển dịch từ 5.000 - 7.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, trong đó đã chú trọng nhiều kênh giải quyết việc làm, đặc biệt là giải quyết việc làm ngoài tỉnh và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Mục tiêu tỉnh đề ra là phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT đạt 60%, vào học GDNN đạt 30%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học GDNN đạt 45%, vào đại học đạt 27%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40% trở lên. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động qua đào tạo đạt 45%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo theo các lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 52%; công nghiệp - xây dựng 22%; thương mại - dịch vụ 26%.
Để đạt mục tiêu, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển GDNN; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN.
Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đảm bảo theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phân tầng chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa;
Chú trọng phát triển trường chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm cấp quốc tế, Asean, quốc gia; các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và yêu cầu của thị trường lao động.
Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về GDNN theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về GDNN trên địa bàn tỉnh, định kỳ đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở GDNN; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT thu hút vào các cơ sở GDNN;
Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp.
Phương Minh
Báo Lao động Xã hội số 80