Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nhiều chính sách giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất

(Dân sinh) - Quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước đã kéo theo vấn đề đất nông nghiệp bị thu hồi để đáp ứng yêu cầu phát triển. Chính vì vậy, đi đôi với quá trình thu hồi đất, Nhà nước đã có nhiều chính sách giải pháp nhằm tạo việc làm cho người lao động bị thu hồi đất, trong đó trọng tâm là hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo nhu cầu thực tế, để bảo đảm cuộc sống cho người lao động.

Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất có một số quy định cơ bản gồm:  

Một là, về điều kiện hỗ trợ. Người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm khi còn trong độ tuổi lao động và có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Người lao động bị thu hồi đất được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có Quyết định thu hồi đất.

 Hai là, hỗ trợ đào tạo nghề. Cụ thể: người lao động bị thu hồi đất được đào tạo trình độ sơ cấp, thời gian dưới 3 tháng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/09/2015 cua Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp; người lao động bị thu hồi đất được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ học phí cho một khóa học. Mức học phí được hỗ trợ bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhưng tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo quy định của pháp luật.

 Ba là, được vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật. Lao động nông thôn học nghề được vay để học theo quy định hiện hành về tín dụng và được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề, sau khi học nghề còn được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.

 Bốn là, hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước thông qua việc được tư vấn học nghề, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí tại các Trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương;

Nhiều chính sách giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất - Ảnh 1.

Nhiều địa phương đã

 Năm là, hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động bị thu hồi đất kinh doanh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định sổ 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Kinh phí hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài được bố trí từ kinh phí đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm trong phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tim kiếm việc làm và được tính trong tổng kinh phí của dự án đầu tư hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được duyệt.

Sáu là, người lao động bị thu hồi đất được vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức cho vay tối đa bằng tổng chi phí cần thiết mà người lao động phải đóng góp theo quy định để người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với từng thị trường lao động. Lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chỉnh phủ quy định. Thời hạn cho vay tối đa bằng thời gian đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.

Song song với việc ban hành chính sách hỗ trợ, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được nhà nước đặc biệt  chú trọng. Chính phủ ban hành nhiều chủ trương chính sách để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế.

 Để tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn, các trung tâm đào tạo nghề đã  tích cực liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tìm hiểu nhu cầu việc làm; từ đó có định hướng về nghề nghiệp cho người lao động khi tham gia đào tạo. Các Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Nhiều địa phương cũng đã triển khai thực hiện hiệu qua nhiều chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho lao động bị thu hồi đất. Hiện nay, hầu hết các địa phương đều yêu cầu hoặc khuyến khích các doanh nghiệp đóng tại địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng đất thu hồi ưu tiên tuyển lao động tại chỗ. Chính vì vậy,sau khi học nghề, rất nhiều lao động bị thu hồi đất đã chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm mới tại các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ tại địa phương. Một bộ phận đã thành lập doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho bản thân và cho các lao động khác, góp phần đáng kể trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.

Tin liên quan
Phim tết có thực sự là mùa vàng?

Phim tết có thực sự là mùa vàng?

(LĐXH) - Những mùa tết gần đây, phim Việt áp đảo các suất chiếu ngoại ở các rạp chiếu. Điều này vừa là động lực, vừa là thách thức đối với các nhà...