Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Sửa từ ghi trên bia mộ liệt sĩ: Không ai là “Vô danh”

(Dân sinh) - “Cụm từ “Liệt sĩ vô danh” ghi trên bia mộ liệt sĩ, là từ “day dứt” bao nhiêu năm rồi, chúng ta không để từ “vô danh” nữa. Không liệt sĩ nào là vô danh. Các Anh đều có tên tuổi, quê quán, vì thế, phải sửa lại là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Hãy làm công việc này vì lương tâm, vì trách nhiệm, không phải bệnh thành tích hay một vấn đề gì hết…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 đang đến rất gần, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh như vậy tại buổi sơ kết của ngành lao động, người có công và xã hội, diễn ra sáng 16/7.

Sửa bia mộ liệt sĩ "vô danh": Làm vì lương tâm, trách nhiệm

Về việc tổ chức lễ kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, Bộ trưởng khẳng định Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, và Bộ cũng có kế hoạch triển khai gửi lãnh đạo các địa phương.

Vì vậy, ông yêu cầu các địa phương không được quan niệm ngày 27/7 là "năm chẵn, hay năm lẻ".

"Đối với người có công với cách mạng không có khái niệm năm chẵn hay năm lẻ, mà lúc nào cũng phải làm tốt nhất công tác tri ân", lãnh đạo Bộ nói.

Đáng chú ý, ông Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc sửa nội dung ghi trên bia mộ liệt sĩ, không để từ "Liệt sĩ vô danh" nữa, mà sửa lại là "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin".

Sửa như vậy sẽ chính xác hơn, vì tất cả liệt sĩ đều có tên, có tuổi, có quê quán, chỉ có điều chưa xác định được danh tính.

"Việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC, thống nhất tên trên những tấm bia này là "Liệt sĩ chưa xác định được thông tin", không nên để "vô danh" - Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.

Về việc điều chỉnh mộ ghi "Liệt sĩ vô danh", tại Hội nghị, ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị "than" khó.

Ông Linh thông tin, tỉnh hiện có 20.000 bia mộ liệt sĩ đang đề "không có thông tin", "chưa biết tên". Riêng bia mộ ghi "vô danh" có 6.000 mộ. Với số lượng lớn và không có kinh phí, tỉnh không thể hoàn thành điều chỉnh thông tin bia mộ đúng tiến độ như yêu cầu của Bộ.

"Ngân sách địa phương hiện rất khó, cần sự hỗ trợ của Trung ương", ông Linh nói.

Sửa từ ghi trên bia mộ liệt sĩ: Không ai là “Vô danh” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tới thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng tại Thái Bình (Ảnh tư liệu)

Về băn khoăn này của tỉnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: "Riêng Quảng Trị còn 6.000 ngôi mộ chưa sửa nội dung trên bia mộ, tôi yêu cầu Cục Người có công bàn với địa phương giải quyết dứt điểm từng nghĩa trang trong năm nay".

Bộ trưởng chỉ đạo tất cả những bia mộ có chữ "Liệt sĩ vô danh" hay "Vô danh" các địa phương phải xử lý xong trong năm 2020. Trường hợp các bia mộ đang ghi, như: "Tên anh sống mãi cùng tên núi sông", hay "Chưa biết tên" do số lượng nhiều thì trước mắt để lại sau.

Về nguồn kinh phí, Bộ trưởng chỉ đạo sử dụng chủ yếu từ nguồn kinh phí địa phương để tu sửa các bia mô "vô danh". Bên cạnh đó là kinh phí của Bộ đã hỗ trợ trong 2020, trường hợp thiếu sẽ báo cáo Bộ để có phương án xử lý sau.

"Chúng ta làm việc này vì lương tâm, vì trách nhiệm, và vì danh dự của mình, không phải vì bệnh thành tích hay bất cứ một vấn đề gì hết…", người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Vẫn còn để hộ nghèo người có công: Day dứt lắm

Trước dịp lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương phải hoàn thành xong việc xóa nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng.

Lãnh đạo Bộ nhắc nhở một số địa phương triển khai còn chậm, chỉ sau khi có thư của Bộ trưởng gửi Bí thư Chủ tịch tỉnh, có công điện thì nhiều địa phương mới triển khai rất nhanh.

Ông nêu, thậm chí có địa phương, chỉ còn một hộ thôi mà vẫn báo cáo về Trung ương là còn 1 hộ nghèo người có công. "Thế mà vẫn cứ để một hộ này là hộ nghèo. Tôi hơi kỳ lạ", ông nói.

Với trường hợp không thể thoát nghèo được do bất khả kháng như vì lý do bệnh tật, "địa phương cần sử dụng đồng bộ các chính sách khác để hỗ trợ", ông lưu ý.

Đến nay, hơn 99,5% là người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú rồi, còn lại ít hộ, chúng ta phải tập trung giải quyết, không thể để sau bao nhiêu năm giải phóng rồi, mà người có công lại có mức sống thấp hơn trung bình thì coi sao được. Ai nghe được các đồng chí. Day dứt lắm…", ông trăn trở.

Về việc giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, theo tinh thần chỉ thị 14-Ct/TƯ đặt ra, "trong năm nay phải xong căn bản", ông yêu cầu.

Sau 5 năm tiến hành giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng, tính đến nay việc giải quyết đã cơ bản hoàn thành theo tinh thần Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.

Từng hồ sơ tồn đọng đã được xem xét, giải quyết công khai, minh bạch, thấu tình đạt lý.

Đây là một việc làm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Khó khăn đến mấy cũng phải đưa các Mẹ Việt Nam anh hùng về Thủ đô dự lễ

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, Lễ "Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020" nhân Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/72020), "các địa phương khó khăn đến mấy, tốn kém đến mấy cũng phải đưa các Mẹ Việt Nam Anh hùng về Thủ đô dự lễ…" - ông Dung nói.

Bộ trưởng cho biết, Hiện, cả nước có 4.968 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trong tổng số hơn 139.000 mẹ Việt Nam anh hùng. Các mẹ đều đã "như lá vàng trước gió", nhiều địa phương hiện không còn Mẹ Việt Nam anh hùng.

Được biết, cuộc gặp mặt các mẹ Việt Nam anh hùng lần đầu tiên được tổ chức, sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

"Chương trình gặp mặt có ý nghĩa rất sâu sắc, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với người có công nói chung và Mẹ Việt Nam anh hùng nói riêng", ông Dung nhấn mạnh.