Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Cải cách tiền lương phải là vị trí việc làm, hiện xếp lương theo bằng cấp

Thành Công
Thành Công

Nhất trí thực hiện tăng lương từ ngày 1/7, theo đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội), bản chất của cải cách tiền lương phải đi cùng vị trí việc làm, năng lực làm việc. Trong đó người chuyên môn, kỹ năng tốt... thì phải lương cao hơn. “Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang dùng bằng cấp để xếp lương”, đại biểu nêu thực tế.

Chiều 25/6, sau khi nghe các báo cáo ở hội trường, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ 1/7.

tien-luong.jpg
Tăng lương cơ sở, đã giúp bù đắp thu nhập cho những người hưởng mức lương dưới 3,2-3,5 triệu đồng/tháng. (Ảnh minh họa: MH).

Thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương: Có nhiều điểm tiến bộ

Phân tích bài toán cải cách tiền lương là rất phức tạp, đòi hỏi phải rà soát quy trình công việc, sắp xếp lại vị trí việc làm, bản chất là cấu trúc lại các quy trình công việc và cấu trúc lại tổ chức, đại biểu Lê Quân (Hà Nội) cho rằng, trong lúc chưa đạt được mục tiêu đó thì tạm thời giải quyết tăng 30% kể từ thời điểm 1/7 là rất quan trọng.

Ông Lê Quân nhấn mạnh, Chính phủ thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương có nhiều điểm tiến bộ, trong đó đã bù đắp thu nhập cho những người hưởng mức lương dưới 3,2-3,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đề nghị cân nhắc cho đơn vị sự nghiệp, nhất là đơn vị sự nghiệp tự chủ, đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đại học, cao đẳng, y tế.

Ông cho hay, Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm ngoái đã trả lương theo vị trí việc làm và sắp xếp lại các vị trí việc làm. “Bản thân một người chuyên viên giỏi trong cơ quan tôi hiện nay, mức thu nhập có thể tăng hơn khoảng 30-40% so với mức bình quân”, đại biểu Hà Nội nói.

Vẫn theo ông Quân, Nghị quyết lần này, nếu được thì nên cho phép những đơn vị nào, khu vực nào đã xây dựng được vị trí việc làm được áp dụng luôn.

"Điều này rất quan trọng, bởi trên thực tế cho thấy tăng đều lương cơ sở lên mức 2,34 triệu đồng vô hình chung là tất cả lương cơ bản, phần cứng đều tăng lên, trong khi đó tổng quỹ lương không tăng đối với đơn vị sự nghiệp", đại biểu Lê Quân nói.

“Tổng quỹ lương không phải do ngân sách cấp thì tổng quỹ lương hiện nay mà chưa có nguồn thu đầu vào sẽ chưa tăng. Như vậy, lần này tăng 30% của lương cơ bản, số lương này trong phần cứng tăng, và như thế phần chúng tôi đánh giá để trả theo kết quả năng lực và trả theo thành tích công tác, mức độ hoàn thành của cán bộ là thiếu nguồn, hoặc là bài toán chung là phải cân đối lại”, ông Quân phân tích.

Tăng lương cơ sở, lương hưu: Chính phủ đảm bảo nguồn tiền

Tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024-2026 tăng thêm 913 nghìn tỷ đồng, theo báo cáo Chính phủ.

Báo cáo thêm với các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, phương án ban đầu thực hiện theo Nghị quyết 27 của Trung ương, Chính phủ tính toán tổng nhu cầu kinh phí tăng lương cho 3 năm (2024-2026) khoảng 760 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng hơn 20%.

Khi điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm 30%, cùng với 10% tiền thưởng quỹ lương cơ bản, và các chính sách có liên quan thì tổng mức tăng lên 913 nghìn tỷ đồng. Con số này tăng thêm so với phương án báo cáo Quốc hội tại kỳ 6 là 127 nghìn tỷ đồng.

Theo bà Trà, tới đây, Chính phủ đề xuất bổ sung nguồn cho cải cách tiền lương và các chính sách liên quan của năm 2024 và các năm tiếp theo. Chính phủ đảm bảo được nguồn tiền này.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, đến nay Chính phủ đã tích lũy được 680 nghìn tỷ đồng. Hai năm còn lại khi dấu hiệu kinh tế phục hồi tích cực cùng với nhiều giải pháp tăng thu, Chính phủ sẽ nỗ lực đảm bảo các nguồn cải cách tiền lương để thực hiện tổng thể chương trình.

Đi cùng đó là kiềm chế lạm phát, bởi hiện có tâm lý tăng lương thì giá cả có dấu hiệu tăng.

“Khi thực hiện điều chỉnh 20,8% năm 2023 có tâm lý là như vậy nhưng thực tiễn CPI tăng không đang kể, chưa vượt quá ngưỡng quy định của Quốc hội”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói, Chính phủ đang cố gắng khống chế lạm phát ở mức 4-4,5%.

Chính phủ cũng đã lên kịch bản chi tiết, ban hành nghị quyết vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… Từ đó, đảm bảo giá trị của tăng lương cho các đối tượng liên quan.

Với chặng đường sau năm 2026, theo bà Trà, phải có giải pháp rất quyết liệt cụ thể, tiết kiệm chi, tăng thu, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung Nghị quyết 27 để thực hiện cải cách tiền lương đồng bộ, cụ thể, đầy đủ.

Tin liên quan
Công nhân ngóng tăng lương từng ngày…

Công nhân ngóng tăng lương từng ngày…

(LĐXH) - Chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt, giá thuê nhà cao… là lý do rất nhiều công nhân mong muốn được tăng lương để có tiền trang trải cuộc sống...