Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Đánh thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ: Tránh thất thu thuế

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Theo đó, hàng trị giá dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh sẽ không còn được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) kể từ ngày 18/2.

Năm 2023, tổng giá trị hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 27.700 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Metric, quý III/2024, trung bình mỗi tháng người tiêu dùng chi gần 25.300 tỷ đồng mua hàng qua 5 sàn thương mại điện tử (Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo). Tổng doanh thu thương mại điện tử cả nước 9 tháng năm 2024 đạt gần 10 tỷ USD, với hơn 1,4 triệu sản phẩm. 

Đánh thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ: Tránh thất thu thuế - 1
Việc thu thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là cần thiết.

Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, riêng hàng hóa nhỏ chuyển qua biên giới dưới hình thức bưu kiện, linh kiện đang miễn thuế dưới 1 triệu đồng là rất lớn.

Thống kê từ tháng 1 đến 6/2024, mỗi tháng có khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng hoàn toàn miễn thuế. Con số thất thoát rất lớn.

Việc áp thuế với tất cả các hàng hóa nhập khẩu, bất kể giá trị nhỏ hay lớn, chắc chắn sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách đang chịu áp lực lớn từ các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Chính phủ bãi bỏ quy định miễn thuế cho hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là một bước đi cấp thiết để ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách, không chỉ bảo vệ nguồn thu ngân sách mà còn đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong hoạt động thương mại.

Việc chia nhỏ giá trị hàng hóa để né thuế không phải vấn đề mới, nhưng sự phát triển của các sàn thương mại điện tử và logistics xuyên biên giới đã khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Đây là lỗ hổng lớn trong hệ thống chính sách thuế, khi hàng hóa giá trị thấp liên tục được nhập khẩu nhưng không đóng góp bất kỳ khoản thuế nào cho ngân sách.

Việc sửa đổi chính sách còn tạo ra áp lực cạnh tranh công bằng giữa các nhà cung cấp hàng hóa trong và ngoài nước. Bởi hàng nhập khẩu giá trị thấp được miễn thuế VAT, trong khi các sản phẩm tương tự do doanh nghiệp nội địa sản xuất vẫn phải chịu loại thuế này.

Điều này dẫn đến chênh lệch giá cả, tạo áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Quy định miễn thuế trước đây có thể phù hợp khi thị trường chưa phát triển mạnh. Nhưng hiện tại, khi thương mại điện tử và luồng hàng hóa xuyên biên giới gia tăng mạnh mẽ, quy định này cần được điều chỉnh để bảo vệ sản xuất nội địa và tạo nguồn thu bền vững”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh.

Có thể nói, việc bãi bỏ miễn thuế không chỉ mang lại lợi ích tài chính mà còn là biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước trước làn sóng hàng giá rẻ nhập khẩu. Khi các sản phẩm nội địa phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh, nguy cơ suy giảm sản xuất, mất việc làm và giảm thu nhập quốc dân là điều không thể tránh khỏi.

Việc áp thuế có thể làm tăng giá sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước nhưng đó chỉ là thiệt hại nhỏ trước mắt, lợi ích lâu dài mới là quan trọng. Bởi, khi áp thuế tất cả hàng nhập khẩu sẽ góp phần nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm.

Quy trình kiểm tra nhập khẩu sẽ giúp hạn chế hàng ngoại giá rẻ kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo an toàn. Người tiêu dùng sẽ nắm bắt được đầy đủ thông tin, xuất xứ sản phẩm, đảm bảo quyền lợi mua hàng của mình.

Đức Thọ

Báo Lao động và Xã hội số 5