Đây là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc với Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung về việc triển khai một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.
Liên quan nội dung điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, báo cáo với lãnh đạo Bộ, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Nguyễn Huy Hưng cho biết, công tác điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024 đã được Cục hướng dẫn và triển khai đến các doanh nghiệp.
Qua theo dõi, các doanh nghiệp cơ bản không gặp khó khăn hay vướng mắc trong việc thực hiện, góp phần đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Cục cũng tiến hành điều tra lao động, tiền lương trong doanh nghiệp để có dữ liệu phục vụ cho việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2025.
Nhìn chung, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ổn định. Các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể tiếp tục được đẩy mạnh, hạn chế các cuộc đình công và giải quyết nhanh các mâu thuẫn phát sinh.
Đời sống của người lao động được cải thiện, thu nhập bình quân trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước đó, nhằm xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2025, Bộ LĐ-TB&XH ban hành quyết định điều tra tình hình lao động, tiền lương trong doanh nghiệp trong năm 2024, được tiến hành trên phạm vi 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển.
Tổng số doanh nghiệp được điều tra là 3.400, tổng số người lao động được điều tra là 6.800.
Hai địa phương có số lượng doanh nghiệp được khảo sát nhiều là thành phố Hà Nội với 700 doanh nghiệp, 1.400 lao động và TPHCM với 800 doanh nghiệp, 1.600 lao động…
Các tỉnh, thành phố còn lại, số lượng doanh nghiệp được điều tra dao động từ 100-200.
Việc thu thập các thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhằm mục đích cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm 2025 theo hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Đồng thời phục vụ công tác quản lý, công bố định kỳ mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động để doanh nghiệp, người lao động tham khảo làm cơ sở thương lượng tiền lương.
Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu tháng tại 4 vùng được quy định như sau:
Vùng I: tăng 280.000 đồng, từ 4.680.000 đồng/tháng lên 4.960.000 đồng/tháng.
Vùng II: tăng 250.000 đồng, từ 4.160.000 đồng/tháng lên 4.410.000 đồng/tháng.
Vùng III: tăng 220.000 đồng từ 3.640.000 đồng/tháng lên 3.860 đồng/tháng.
Vùng IV: tăng 200.000 đồng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.450.000 đồng/tháng.
Tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đề ra mục tiêu cụ thể trong việc cải cách tiền lương từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau:
Đối với khu vực doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Cũng tại buổi làm việc với Cục Quan hệ lao động và Tiền lương ngày 13/9, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận Cục đã triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ làm đầu mối của cải cách tiền lương; Tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, triển khai các văn bản liên quan đến Bộ luật Lao động về thương lượng tập thể. Bộ trưởng giao, trước ngày 1/1/2025, Cục phải hoàn thành việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước phải bám sát 5 nội dung về cải cách tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị quyết 27-NQ/TW... "Thời gian hoàn thành Nghị định đảm bảo tiến độ trước ngày 1/1/2025, không được phép lùi", một lần nữa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh thêm. |