Số liệu trên vừa được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, cụ thể tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%.
“Bên cạnh đó, các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá”, bà Hương nói.
Về sử dụng GDP năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52% so với năm 2022, đóng góp 41,04% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 4,09%, đóng góp 26,64%;
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,33%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 32,32%.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38%.
Kỳ vọng năm 2024
Nếu năm 2023 là năm “bản lề”, thì năm 2024 cùng với 2025 là năm phải “tăng tốc” để thực hiện mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025).
Theo mục tiêu của kế hoạch 5 năm là phải tăng 6,5 - 7%/năm, hay năm 2025 phải tăng 37 - 40,26% so với năm 2020, trong khi năm 2023 mới tăng 16,38% so với năm 2020, 2 năm còn lại phải tăng 17,7 - 20,5%; đó là tốc độ tăng rất cao chưa bao giờ đạt được.
Mục tiêu đề ra cho năm 2024 là tăng 6 - 6,5%. Ngay năm 2024 có đạt được mục tiêu đề ra, thì nhiệm vụ của năm 2025 sẽ rất cao (11 - 11,3%).
Do vậy, năm 2024 phải tăng cao hơn mục tiêu đề ra, để giảm nhẹ gánh nặng cho năm 2025, tránh một lần nữa bị lỡ việc thực hiện mục tiêu “có công nghiệp tương đối hiện đại, ra khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình thấp”.
Thành Công