Chiếm gần 50% lực lượng lao động của xã hội ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống, giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng - Nhà nước và doanh nhân nữ thành đạt ngày càng tăng lên.
Lao động nữ chủ yếu tập trung ở nông thôn
Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, đến năm 2022, có khoảng hơn 1/2 (chiếm 52%) dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động.
Trong đó, tỷ lệ lao động nữ từ 15 tuổi trở lên chiếm 46,8% tổng lực lượng lao động, lao động nam là 53,2%. Số lao động nữ có việc làm chiếm 47,5%.
Hiện nay, nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội đã được nâng cao, giúp lao động nữ có cơ hội bình đẳng tham gia thị trường lao động. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật hỗ trợ lao động nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ tham gia thị trường lao động.
Tuy nhiên tỷ lệ lao động nữ trong độ tuổi lao động thất nghiệp và thiếu việc làm trong những năm qua khá phổ biến. Xu hướng lao động nữ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng cao từ năm 2017-2021.
Đến năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ chiếm 2,32%, thiếu việc làm chỉ còn 2,13%.
Mặt khác, lao động nữ ở thành thị và nông thôn có sự chênh lệch cao. Cụ thể, theo kết quả điều tra của Tổng cục thống kê tỷ lệ lao động nữ khu vực nông thôn là 62,9% còn khu vực thành thị là 37,5%, chênh lệch 25,4%.
Thu nhập bình quân của lao động nam cao gấp 1,37 lần so với nữ
Hiện nay, thu nhập bình quân một năm của lao động nữ thấp hơn so với lao động nam dù thời gian lao động nhiều hơn nam giới, chủ yếu là do ngoài thời gian làm việc để có thu nhập và lao động nữ còn phải làm việc nhà.
Theo quy định của Bộ luật Lao động thì người lao động làm việc 40 giờ/tuần nhưng trên thực tế, đa số lao động nữ phải làm việc vượt quá thời gian nói trên.
Số liệu từ báo cáo tình hình lao động việc làm quý III và tháng 9 năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III/2023 là 7,1 triệu đồng.
Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 8,1 triệu đồng, cao gấp 1,37 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,9 triệu đồng.
Cũng theo báo cáo, thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,39 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng).
Sự chênh lệch về mức thu nhập của lao động nam và lao động nữ xuất phát từ nhiều yếu tố như trình độ học vấn, đào tạo, bồi dưỡng trong lao động (tính đến năm 2022, tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo chỉ chiếm 23,9%, thấp hơn lao động nam 4,8%);
Ngoài ra, vấn đề “gánh nặng kép - công việc và trách nhiệm gia đình”, định kiến giới đối với lao động nữ cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch thu nhập của lao động nam và nữ.
Trần Huyền