Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

"Vấn nạn" lạm thu đầu năm học

LĐXH
LĐXH

(VTE) - “Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học” là câu rất quen thuộc trong văn bản chỉ đạo việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Bộ GD&ĐT.

Nhưng đó là trên văn bản, còn thực tế thì đầu năm học nào cũng “nóng” về tình trạng lạm thu. Thậm chí, ngày khai giảng còn chưa diễn ra thì vấn nạn lạm thu đã lại tái diễn.

Phụ huynh thắc mắc, trường cho học sinh dừng học

Thời gian qua, dư luận và báo chí bức xúc khi một học sinh lớp 12 “đột ngột” bị Trường THPT Ngô Quyền, Đông Anh, Hà Nội (trường tư thục) dừng đào tạo khi bố em, ông Nguyễn Đăng Bằng thay mặt một số phụ huynh gửi câu hỏi và làm việc với nhà trường về việc thành lập “lớp chất lượng cao” và việc tiền học phí sẽ tăng.

IMG_7226_result-scaled-1.jpg

Phụ huynh có quyền hỏi và nhà trường cần có trách nhiệm trả lời một cách thấu đáo các thắc mắc về chương trình học, giáo viên, học phí, hay mong muốn cải thiện chất lượng giáo dục của phụ huynh. Nhưng không, cho rằng câu hỏi của phụ huynh đưa ra là không tin tưởng nhà trường và không tôn trọng giáo viên, Trường THPT Ngô Quyền đã ra quyết định dừng đào tạo học sinh N.N.H, lớp 12A5, con ông Nguyễn Đăng Bằng từ ngày 10/8. 

Cho rằng quyết định dừng đào tạo với học sinh là không đúng luật và không đúng quy định của ngành Giáo dục, ông Nguyễn Đăng Bằng đã chia sẻ thông tin về vụ việc với báo chí. 

Sự việc ngay lập tức được dư luận quan tâm và Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã vào cuộc. Chiều 16/8, Trường THPT Ngô Quyền thừa nhận sai khi ra quyết định về việc dừng đào tạo đối với học sinh và đã thu hồi lại quyết định này. 

Cùng ngày, phụ huynh học sinh N.N.H cho biết, gia đình đã nhận được thông báo thu hồi quyết định và thư xin lỗi của Ban Giám hiệu Trường THPT Ngô Quyền. Tuy nhiên, gia đình vẫn quyết định cho con chuyển trường. 

Sự việc đã khép lại, nhưng dư âm thì sẽ còn mãi về một lối hành xử chuyên quyền, không đúng theo tinh thần của ngành giáo dục là lấy học sinh làm trung tâm, tất cả vì học sinh thân yêu.

Lạm thu cứ “đến hẹn lại lên”

Lạm thu trong ngành giáo dục luôn là chủ đề nóng, được nhiều người quan tâm, bởi cứ “đến hẹn lại lên”. Chuẩn bị vào năm học mới, trên khắp mọi miền đất nước, phụ huynh và học sinh đang bàn luận sôi nổi về các khoản thu, nhất là các khoản quỹ lớp, xây dựng trường, vệ sinh, đồng phục, học thêm, dã ngoại…

Chị Minh Hồng, một phụ huynh có con học lớp 6 cho biết, năm nay con chị chuyển cấp, trường mới có vẻ ổn hơn trường cũ. Việc đăng ký mua sách giáo khoa và đồng phục đều trên tinh thần tự nguyện, nhà trường không bắt buộc. Thế nhưng, vì là lớp đầu cấp nên hầu như phụ huynh nào cũng đăng ký mua đủ các loại quần áo đồng phục (sơ mi dài tay, sơ mi ngắn, quần, áo khoác, bộ thể dục) cho con.

Còn sách giáo khoa, do học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, không rõ con học bộ sách nào nên cũng gần như 100% phụ huynh đều đăng ký mua. Ngoài hai khoản đó, chị Hồng chưa thấy trường thu thêm gì. 

Ở trường cũ (trường Tiểu học), con chị Minh Hồng học trái tuyến, ngoài khoản “phí xin học trái tuyến” (khoản này không có trong quy định và chi phí phụ thuộc vào quan hệ của phụ huynh với hiệu trưởng hoặc Phòng GD&ĐT) thì năm nào trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm cũng “gợi ý” các phụ huynh trái tuyến ủng hộ nhà trường “một ít” để tu sửa cơ sở vật chất.

“Một ít” ở đây thường là từ 500.000 đến 2 triệu đồng. Cô chủ nhiệm còn nhấn mạnh rằng “con các quý vị không phải người địa phương nhưng được thừa hưởng cơ sở vật chất khang trang thì cũng nên có chút đóng góp cho trường”. Cô giáo nói vậy thì phụ huynh nào dám từ chối?!

Không chỉ vậy, có rất nhiều khoản các trường sẽ không đứng ra thu mà “nhờ” Ban đại diện cha mẹ học sinh thu với tên gọi “tự nguyện” để xã hội hóa giáo dục. Khi thì phụ huynh tự nguyện đóng góp để xây mới hoặc thay các thiết bị trong nhà vệ sinh, lúc lại sửa thư viện trường, mua và trồng thêm cây xanh… 

Những khoản thu ấy, xét cho cùng cũng để phục vụ cho các con nên chị Minh Hồng và nhiều phụ huynh khác đều nộp cho xong. Nhưng có một chuyện chị thấy kỳ lạ là đầu cấp học, hầu như lớp nào cũng phải đóng tiền mua ít nhất hai cái điều hòa để lắp ở lớp.

Khi các con tốt nghiệp, không lớp nào tháo điều hòa mang đi mà tất cả đều tặng lại nhà trường, nhưng các học sinh mới vào học thì vẫn cứ phải đóng tiền mua điều hòa. Vậy điều hòa cũ đã đi đâu?

lamthudaunamhoc.jpg

Bao giờ nạn lạm thu trường học mới chấm dứt? 

Chị Minh Hồng vui mừng với trường mới của con chưa được bao lâu, thì ngay trong ngày con tựu trường cô chủ nhiệm đã lập nhóm học thêm Toán (môn cô dạy) mời các phụ huynh vào. Không những thế, cô còn quảng bá luôn nhóm học thêm của giáo viên dạy Văn.

Buổi học thêm đầu tiên tại nhà các thầy cô bắt đầu ngay trong tuần khi các con còn chưa học chính thức ở trường. Nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc, nhưng vẫn lặng lẽ nhắn tin cho cô xin học thêm vì sợ con bị trù dập.

Vậy là, tinh thần lạc quan về ngôi trường mới của chị Minh Hồng dường như đã bị giảm đi nhiều. Nhưng đó là chị còn chưa tham gia họp phụ huynh đầu năm, chứ họp rồi, chị còn “choáng” hơn nữa. Bởi buổi họp phụ huynh đầu năm học ở hầu hết các trường công lập và một số trường dân lập, tư thục diễn ra vô cùng “nóng” với vô số khoản thu, đến nỗi phụ huynh không thể nào nhớ hết.

Trong khi đó, nhiều giáo viên chủ nhiệm cương quyết không viết các khoản thu lên bảng vì sợ phụ huynh chụp lại rồi đăng lên mạng xã hội. Các thầy cô còn dặn phụ huynh, có khoản nào không nhớ hoặc cần trao đổi thì cứ hỏi, giáo viên sẽ giải đáp, đừng vội vã đăng lên mạng xã hội hay chia sẻ với báo chí.

Sức mạnh của truyền thông và mạng xã hội đã khiến cho một số giáo viên “biết sợ”, nhưng suy cho cùng, giáo viên có phải là người nghĩ ra các khoản thu đâu. Thu - chi cái gì, bao nhiêu, khi nào là do Hiệu trưởng quyết định. Và ở nhiều trường học, Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động như một “cánh tay nối dài” của Hiệu trưởng.

Còn nếu đại diện cha mẹ học sinh không đứng về phe Hiệu trưởng, mà đấu tranh cho quyền lợi của học sinh thì rất có thể con của họ sẽ bị đối xử như con phụ huynh Nguyễn Đăng Bằng trong câu chuyện kể trên.

Thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí, nhiều vụ lạm thu trong trường học đã bị phanh phui, nhiều trường học đã phải trả lại các khoản thu vô lý cho phụ huynh.

Tuy nhiên, thu sai xin lỗi và trả lại mà không bị xử phạt nặng thì làm sao có thể răn đe và cảnh tỉnh các trường học? Đến bao giờ lạm thu trường học mới chấm dứt vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

 

Bình Yên 

Ấn phẩm Vì trẻ em số 16

Tin liên quan
Giáo dục truyền thống qua lễ hội

Giáo dục truyền thống qua lễ hội

(VTE) - Với ý nghĩa gắn kết cộng đồng, lễ hội không chỉ là dịp vui chơi mà còn là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu công...
Hải Dương ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

Hải Dương ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

(VTE) - Những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn chú trọng ưu tiên nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ...