Các doanh nghiệp đang dồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng của cả năm.
38/45 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng trên 84%
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 9, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 65,81 tỷ USD, giảm 8% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD, đây là mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024.

Trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính, tính chung 9 tháng, 38/45 nhóm hàng (đạt 84,4%) tăng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm đến 92,9% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như điện tử máy tính và linh kiện tăng 27,4%;
Điện thoại các loại và linh kiện 7,2%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng 22,1%. Một số mặt hàng xuất khẩu nông, lâm sản có lợi thế của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2023, như: Cà phê tăng 37,8%; thủy sản 9,5%; rau quả tăng 33,9%; gạo tăng 23%...
Xét theo thị trường, trị giá hàng xuất khẩu tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước ở hầu hết thị trường chủ lực của Việt Nam: Hoa Kỳ ước đạt 78,5 tỷ USD, tăng 31%;
Xuất siêu sang EU ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,9 tỷ USD, tăng 28,8%; nhập siêu từ Trung Quốc 61,4 tỷ USD, tăng 70,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 22,6 tỷ USD, tăng 9,2%; nhập siêu từ ASEAN 6,2 tỷ USD, tăng 9,3%.
Ở lĩnh vực nông sản, sau nhiều năm vắng bóng, nhờ sự thuận lợi từ nhu cầu thị trường với giá hồ tiêu tăng cao đã giúp nhóm hàng này quay trở lại "câu lạc bộ" tỷ đô.
Số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy trong 9 tháng, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đã đạt trên 200.000 tấn, giá trị hơn 1 tỷ USD (trong khi đó, cả năm 2023 chỉ đạt 912 triệu USD). Giá trị xuất khẩu hồ tiêu đã tăng gần 47% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài hồ tiêu, trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu 9 tháng đầu năm, sầu riêng nổi lên là loại “trái cây vua”. Theo ước tính sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD, tức kim ngạch xuất khẩu của loại trái cây này đã xô đổ kỷ lục 2,24 tỷ USD của cả năm 2023.
Tính chung xuất khẩu rau quả của Việt Nam tiếp tục xác lập con số kỷ lục trong 9 tháng qua khi đã vượt mốc 5,6 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước.
36% doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng mới
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, đều đặn mỗi tháng công ty xuất khẩu 160 container trái dừa và 45 container trái bưởi sang các thị trường như: Mỹ, EU, Nhật Bản…
“3 tháng tới, công việc xuất khẩu trái cây của công ty sẽ còn bận rộn hơn khi các nước trên thế giới bước vào mùa lễ hội, chào đón năm mới… kéo theo nhu cầu trái cây cũng tăng theo, dự báo có thể lên tới 35%.
Ngoài ra, trong thời gian này, trái dừa của Vina T&T vào được thị Trung Quốc sau khi doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu và đã cấp mã số vùng trồng, cũng như mã số nhà máy đóng gói trái dừa”, ông Tùng cho biết thêm.
Về dệt may, Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công đã và đang nhận khoảng 92% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV và khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024.
"Kết quả kinh doanh 8 tháng của doanh nghiệp tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước và đơn hàng để sản xuất xuất khẩu có đến hết năm. Ngoài giữ được khách hàng truyền thống ở trong nước và xuất đi Mỹ, Trung Đông, công ty còn khai thác ở các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore", đại diện công ty cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang thông tin, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng xuất khẩu đến hết năm.
"Với những kết quả xuất khẩu đã đạt được thời gian qua, dự báo trị giá xuất khẩu dệt may cả năm sẽ đạt mục tiêu là 44 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước.
Các doanh nghiệp dệt may đã và đang rất tích cực đàm phán đơn hàng xuất khẩu cho quý I/2025", ông Giang nhấn mạnh.
Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp dự báo khả quan về tình hình đơn hàng xuất khẩu quý IV tăng lên.
Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV khả quan hơn với 83,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý III (360% tăng, 47,6% giữ nguyên); 16,4% doanh nghiệp dự báo giảm.
Cùng đó, dự báo sử dụng lao động quý IV cũng tích cực hơn quý III với 90% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (17,1% tăng, 72,9% giữ nguyên); 10% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.
Ông Đinh Quanh Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect nhận định: “Một số nhóm mặt hàng sẽ bứt phá trong xuất khẩu, bao gồm nông - thủy sản, dệt may, da giày do đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam.
Bên cạnh đó, những mặt hàng khác như linh kiện điện tử, máy vi tính, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng khả quan trong quý IV nhờ sự cải thiện của bức tranh kinh tế và môi trường đầu tư toàn cầu sau một loạt động thái nới lỏng chính sách tiền tệ gần đây”.
Đại diện VNDirect cũng nhận định, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những tháng cuối năm, nhất là khi các cảng bờ đông và vùng vịnh (Hoa Kỳ) đã hoạt động trở lại từ hôm 4/10. Điều này giúp giảm phần nào lo lắng của doanh nghiệp xuất khẩu về hoạt động vận tải.
"Với dữ liệu chỉ số Quản lý mua hàng (PMI) tích cực và số lượng đơn đặt hàng sản xuất mới trong vài tháng qua, đơn vị dự báo xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay có thể tăng khoảng 15%", VNDirect kỳ vọng.
Phương Anh
Báo Lao động và Xã hội số 122