Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

TP. Hồ Chí Minh Cần được tăng ngân sách để đầu tư phát triển kinh tế

TP. Hồ Chí Minh là đô thị hơn 10 triệu dân, nguồn thu ngân sách chiếm khoảng 27% so với tổng thu của cả nước. Tuy nhiên, việc điều tiết giữ lại ngân sách cho Thành phố trong những năm gần đây liên tục bị cắt giảm, đã khiến cơ sở hạ tầng- xã hội của Thành phố chưa được đầu tư đúng mức. Điều này cho thấy nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng là nhu cầu rất bức thiết.

Thông tin trên báo điện tử VTV, năm 2019, TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên đạt kỷ lục thu ngân sách trên 400 nghìn tỷ đồng, vượt 3% so với chỉ tiêu Trung ương giao. Con số này cao hơn tổng số thu dự toán của các thành phố trực thuộc Trung ương cộng lại gồm: Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng. Tuy thu ngân sách cao nhưng tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách được giữ lại từ 18% - 33% theo lộ trình 10 năm và dự kiến trình Trung ương vào tháng 1/2020.

Theo đó, đề xuất lộ trình tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TP. Hồ Chí Minh như sau:

- Giai đoạn 2018 - 2020, tỷ lệ điều tiết là giữ nguyên 18%;

- Giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ điều tiết là 24%;

- Giai đoạn 2026 - 2030, tỷ lệ điều tiết là 33%. (33% cũng là mức điều tiết bằng mức năm 2003)

Bình quân một năm thành phố tăng 208.000 người, gần bằng số dân một quận trung bình, mật độ dân số cao gấp 13 lần mật độ trung bình của cả nước. Điều này đã tạo nên một áp lực rất lớn cho thành phố. Theo lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, việc được tăng phần tỷ lệ ngân sách giữ lại sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh có thêm điều kiện đầu tư, giải quyết nhiều vấn đề còn tắc nghẽn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Trung ương hàng năm.

Việc giảm tỷ lệ ngân sách được giữ lại từ 24% xuống còn 18% đã khiến TP. Hồ Chí Minh hụt thu hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Thành phố đã vượt qua nhiều khó khăn để vẫn giữ vai trò đầu tàu, thu ngân sách cao nhất nước. Tuy nhiên, nếu không giải quyết các tắc nghẽn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ bị giảm sút.

Theo nhiều chuyên gia, đây là thời điểm phù hợp để TP. Hồ Chí Minh đưa ra kiến nghị với Trung ương. Tuy nhiên, có một vấn đề là nếu tăng tỷ lệ điều tiết cho TP. Hồ Chí Minh sẽ phải giảm điều tiết cho các tỉnh thành khác, những địa phương dù không làm ra nhiều tiền nhưng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ trọng trách quốc gia. Ngược lại, nếu giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách như hiện tại, TP. Hồ Chí Minh sẽ không có động lực đầu tư phát triển, đột phá. Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, TP. Hồ Chí Minh không "xin tiền" mà "xin cơ chế" để có thêm nguồn thu.

Thông tin trên báo Sài Gòn giải phóng, Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, số thu ngân sách thực tế TP. Hồ Chí Minh được hưởng ngày càng giảm do tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giảm. Năm 2003 tỷ lệ điều tiết 33%, nhưng đến 2017-2020, tỷ lệ này chỉ còn 18%.

Qua nghiên cứu các thành phố lớn trên thế giới, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của thành phố trên 10 triệu dân như T.P Paris của Pháp bình quân 46,43%, thấp nhất 33,09%. Năm 2019, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất xây dựng đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

TP. Hồ Chí Minh Cần được tăng ngân sách để đầu tư phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Cần đầu tư để kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo đó, nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách TP. Hồ Chí Minh như các tỉnh, thành phố khác. Trong đó tăng tỷ lệ điều tiết đối với TP. Hồ Chí Minh từng bước trong 10 năm 2020-2030, từ 18% lên 33%, để Thành phố có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2016-2020. Kết quả thực hiện năm 2020 có ý nghĩa quyết định đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Vì thế, TP. Hồ Chí Minh tập trung thực hiện chủ đề năm 2020 bằng 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, với nhiều đề án quan trọng như đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị; đề án phát triển Thành phố thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; đề án xây dựng Thành phố thành Thành phố thông minh và đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố.

Tin liên quan
Phim tết có thực sự là mùa vàng?

Phim tết có thực sự là mùa vàng?

(LĐXH) - Những mùa tết gần đây, phim Việt áp đảo các suất chiếu ngoại ở các rạp chiếu. Điều này vừa là động lực, vừa là thách thức đối với các nhà...