Theo đó, chuẩn nghèo 5 chiều tại TP.HCM xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 5 mặt gồm: Y tế; giáo dục đào tạo; việc làm - bảo hiểm xã hội; điều kiện sống và thu nhập.
Nghị quyết của HĐND TP.HCM cũng đề ra các chính sách hỗ trợ và biện pháp để thực hiện chương trình như: Triển khai chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giải quyết việc làm trong nước, hỗ trợ bảo hiểm y tế, giáo dục, bảo hiểm y tế cho những người nghèo.
Kinh phí thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021-2025 được xác định từ nguồn vốn Trung ương, ngân sách Thành phố, quận, huyện và các nguồn vốn khác từ huy động, vận động.
Liên quan đến công tác giảm nghèo trên địa bàn TP.HCM, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, tổng số hộ nghèo, cận nghèo còn lại đến thời điểm hiện nay là 18.325 hộ, (chiếm 0,75% trên tổng hộ dân Thành phố); trong đó: Tổng số hộ nghèo còn lại là 3.128 hộ (chiếm 0,13% tổng hộ dân Thành phố); tổng số hộ cận nghèo còn lại là 15.197 hộ (chiếm 0,62% tổng hộ dân Thành phố). Thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công.
Năm 2021, TP.HCM tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm - bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống và trợ giúp xã hội) nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố, đảm bảo giảm nghèo bền vững.
Trên cơ sở số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, năm 2021, TP.HCM sẽ tập trung triển khai các chính sách giải pháp hỗ trợ phù hợp; dự kiến thực hiện giảm 0,39% tỷ lệ hộ nghèo và 0,35% tỷ lệ hộ cận nghèo.