Tranh cổ động về Bác Hồ của các họa sĩ Phạm Lung, Đỗ Mạnh Cương.
Những chiến sĩ tuyên truyền, cổ động qua tranh
Tranh cổ động Việt Nam xuất hiện sau khi chính quyền cách mạng ra đời và đã nhanh chóng trở thành thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam, phục vụ kịp thời công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Các họa sĩ vẽ tranh cổ động luôn là những chiến sĩ tuyên truyền, cổ động phản ánh những sự kiện, những vấn đề thời sự của đời sống xã hội. Trong bức thư gửi các họa sĩ, Bác Hồ đã viết: "Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận; anh, chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Hàng trăm tranh cổ động thời kỳ kháng chiến đã ra đời phục vụ công cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Nhiều tác phẩm hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và các bảo tàng trong cả nước.
Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận; anh, chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tranh cổ động trở thành loại hình nghệ thuật được hầu hết các họa sĩ tham gia sáng tác. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tranh cổ động luôn bám sát các chiến dịch của bộ đội ta, công tác binh vận, tình quân dân, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động tập trung vào các chủ đề hậu phương lớn miền Bắc, tiền tuyến lớn miền Nam, chống chiến tranh phá hoại, các đề tài về giao thông, vận tải, về đường Trường Sơn, về công, nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, học tập văn hóa góp phần cổ vũ khí thế cách mạng.
Có thể nói tranh cổ động đã trở thành thể loại tranh đồ họa đặc sắc, độc đáo của mỹ thuật Việt Nam. Nhiều thế hệ họa sĩ vẽ tranh cổ động đã liên tục sáng tạo trong ngôn ngữ đồ họa, cô đọng, súc tích có tính biểu tượng, gần gũi và dễ hiểu. Tranh cổ động Việt Nam đã vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành nghệ thuật đồ họa độc đáo có phong cách riêng, tồn tại và phát triển lâu dài cho đến hôm nay là hiếm có và độc đáo trên thế giới.
Hình ảnh Bác Hồ trong trái tim họa sĩ
Đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm cảm hứng vô tận cho các họa sĩ vẽ tranh cổ động. Với mỗi tác phẩm, nét vẽ về Người của họ đều xuất phát từ tình cảm thiêng liêng, sự kính trọng và gắn với những kỷ niệm, ký ức của người họa sĩ dành cho Bác Hồ kính yêu.
Với họa sĩ Trần Từ Thành, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, bức tranh "Bác Hồ với thiếu nhi" được treo trang trọng trên nóc Nhà thông tin thành phố, 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) hơn 40 năm nay là một kỷ vật vô giá. Chia sẻ về bức tranh cổ động nổi tiếng "Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc", hoạ sĩ Trần Từ Thành chia sẻ: "Những câu chuyện về Bác luôn mang đến tình cảm, niềm xúc động lớn lao đối với tôi và mọi người. Bác luôn có một sự gắn bó mật thiết, một tình cảm trìu mến với thiếu nhi... Bức tranh này là kỷ vật riêng vô giá của cuộc đời tôi".
Về hoàn cảnh ra đời bức tranh, họa sĩ Trần Từ Thành cho biết, năm 1975, đất nước thống nhất, ông đã hào hứng tìm kiếm đề tài để tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên tổ chức năm 1976. Ông nghĩ, đây chính là dịp để bày tỏ niềm mong mỏi bấy lâu về chủ đề đất nước hòa bình. Ông đã lựa chọn hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi như một biểu tượng của hòa bình. Bức tranh cổ động "Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc" thể hiện hình ảnh Bác tươi cười hiền hậu ôm em bé đặt ở trung tâm tác phẩm. Bên phải là hình chữ S - biểu tượng của bản đồ Việt Nam thống nhất. Nền trắng của tranh là hình chim bồ câu ngậm cành ô liu, mắt chim bồ câu là vầng sao sáng dẫn đường, là Thủ đô Hà Nội, màu cờ Tổ quốc. Bức tranh là biểu tượng của khát khao và ước mơ hòa bình. Đó cũng là lời nhắc nhở về tình yêu thương và gìn giữ hòa bình đến cả những thế hệ mai sau.
Cũng là một người rất yêu quý Bác Hồ, họa sĩ Đỗ Mạnh Cương, sinh năm 1940 tại Hà Nội, đã đọc rất nhiều sách viết về Bác, những câu chuyện kể về cuộc đời của Bác. Những câu chuyện đó là nguồn cảm hứng nghệ thuật khơi nguồn sáng tạo giúp cho họa sĩ hình dung và thể hiện Bác qua những nét vẽ cụ thể về bức tranh cổ động "Theo con đường Bác Hồ đã chọn" được chắt chiu cảm hứng từ rất nhiều cuốn sách về Người mà ông đã đọc.
Ông chia sẻ: "Khi vẽ tranh cổ động, nguồn cảm hứng khiến tôi say mê nhất là chính là hình ảnh Bác Hồ". Bức tranh "Theo con đường Bác Hồ đã chọn" (1990) thể hiện mong muốn của Bác khi còn sống. Bác đã dành trọn đời mình hiến dâng cho Tổ quốc. Trước khi qua đời, Bác luôn mong miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống nhất, kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao. Bởi vậy, trong bức tranh này, họa sĩ thể hiện tất cả các hoạt động của đất nước sau ngày được hoàn toàn giải phóng: Học tập, lao động sản xuất... Tất cả các hoạt động được lồng trong hình ngôi sao thể hiện đất nước thống nhất, cũng thể hiện nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng và đi theo con đường Bác Hồ đã chọn.
Còn với họa sĩ Lê Nhường, sinh năm 1943 tại Mê Linh, Hà Nội lại khác, ấp ủ 10 năm, bộ tranh cổ động về Bác Hồ đã được họa sĩ hoàn thành với tâm huyết và tình cảm của người lính dành cho Bác Hồ kính yêu. Ông đã sáng tác bộ tranh cổ động về Bác Hồ gồm 5 bức tranh: Bác bảo thắng là thắng; Nấu bếp mà xuất sắc cũng là anh hùng, cũng rất vẻ vang; Thực túc binh cường, Bác Hồ - Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang; "Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ /Kiên quyết không ngừng thế tiến công".
Họa sĩ Lê Nhường chia sẻ, tranh cổ động "Bác bảo thắng là thắng" lấy cảm hứng từ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi bước vào trận quyết chiến cuối cùng với thực dân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Người nói: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng…". Toàn bộ bức tranh là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang điện đàm chỉ đạo chiến dịch từ xa với nét mặt cương nghị, thể hiện ý chí và sự quyết tâm cũng như niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của chiến dịch.
Còn bức tranh "Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tiến công" là một trong 5 bức tranh khắc hoạ một phần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi dạy lực lượng vũ trang nhân dân. họa sĩ sáng tác bức tranh này lấy cảm hứng từ khổ thơ thứ hai trong bài thơ "Học đánh cờ" trong tập "Nhật ký trong tù" mà Bác Hồ đã sáng tác trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch Trung Quốc bắt giam từ tháng 8/1942 đến tháng 10/1943.
Tranh cổ động về bác Hồ của họa sĩ Phạm Lung.
Cũng giống như các họa sĩ khác dành tình yêu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ khi còn là một cậu bé 8 tuổi, họa sĩ Phạm Lung, sinh năm 1937 tại Nam Định đã rất say mê với nghệ thuật hội họa. Đặc biệt, những bức tranh về Bác Hồ luôn có một sức cuốn hút kỳ lạ đối với ông. "Bác Hồ đã ở trong tôi ngay từ thuở ấu thơ, gần gũi như lời ru, như cánh đồng, như dòng sông mỗi ngày tắm mát… Và vì lẽ đó, trên mỗi nẻo đường cuộc đời, tôi luôn thấy Bác trong từng cảnh ngộ, từng con người mà tôi mến yêu, trân trọng…", đó là lời tự bạch của họa sĩ Phạm Lung. 28 bức tranh ông vẽ về Bác Hồ là 28 câu chuyện về Người: Từ chuyện chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc thoát khỏi kiếp ngựa trâu nô lệ, cho đến thời điểm Người trở về xây dựng đất nước tham gia dạy bình dân học vụ, Người về thăm quê, thăm bà con nông dân…
Bác Hồ đã ở trong tôi ngay từ thuở ấu thơ, gần gũi như lời ru, như cánh đồng, như dòng sông mỗi ngày tắm mát…
Họa sĩ Phạm Lung
Trong hầu hết các bức tranh của ông, hình ảnh Bác Hồ luôn giản dị, gương mặt, nụ cười hiền hậu của Người luôn hòa chung với nụ cười của quần chúng nhân dân. Mỗi tác phẩm của họa sĩ có một màu chủ đạo riêng, với nét vẽ giản dị nhưng chứa đầy tình cảm mến yêu kính trọng đối với Bác Hồ - vị cha già của dân tộc Việt Nam.