Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trên 100km bờ sông, bờ biển ở Cà Mau bị sạt lở đến mức nguy hiểm

Trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau có 46 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài hơn 100km và 6 điểm sạt lở bờ biển ở mức nguy hiểm với chiều dài hơn 5km, đe dọa trực tiếp đến tài sản, an toàn giao thông và tính mạng của người dân.

Thông tin trên Vietnamplus, 46 điểm sạt lở bờ sông nguy hiểm tập trung ở các huyện: Năm Căn (10 điểm, dài hơn 18,3km); U Minh (6 điểm, dài hơn 10,6km); Phú Tân (10 điểm, dài hơn 26,2km); Cái Nước (1 điểm, dài 25m); Ngọc Hiển (1 điểm rất nguy hiểm, dài 11,5km); Đầm Dơi (11 điểm, dài hơn 28,7km) và thành phố Cà Mau (7 điểm, dài hơn 5km).

Ngoài ra, còn có 6 điểm sạt lở bờ biển nguy hiểm nằm trên tuyến đê biển Tây với chiều dài hơn 5km, gồm: đoạn bờ Nam Kênh Mới (dài 300m); đoạn Đá Bạc-Kênh Mới (dài 1,7km); đoạn từ đê trụ rỗng Bắc Đá Bạc về Sào Lưới (Nam Sào Lưới, dài 820m); đoạn Bắc Sào Lưới (dài 300m) thuộc huyện Trần Văn Thời; đoạn bờ Bắc-bờ Nam Kênh Dòng Cát (dài hơn 1,8km) và đoạn bờ Bắc, bờ Nam Tiểu Dừa (dài 400m) thuộc huyện U Minh.

Trên 100km bờ sông, bờ biển ở Cà Mau bị sạt lở đến mức nguy hiểm - Ảnh 1.

Sạt lở đe dọa đến cuộc sống, tính mạng của người dân Cà Mau. (Ảnh: Xuân Trường).

Trong những năm gần đây, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, trong đó sạt lở bờ sông, bờ biển có xu hướng diễn ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng hơn, đe dọa trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân.

Đặc biệt, có rất nhiều khu vực bị sạt lở nguy hiểm nên Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau phải ban hành quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển, bờ biển.

Để phòng tránh các thiệt hại do sạt lở đất gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng của Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đồng ý chủ trương để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện việc cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên thực hiện trước tại các khu vực sạt lở nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm và khu vực đông dân cư.

Trên 100km bờ sông, bờ biển ở Cà Mau bị sạt lở đến mức nguy hiểm - Ảnh 2.

Từ năm 2007 đến nay, vùng ven biển của tỉnh đã bị mất khoảng 8.870 ha đất và rừng phòng hộ vì sạt lở. (Ảnh: Xuân Trường).

Thông tin trên Báo Nhân dân, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, tác động bất lợi của thiên nhiên đã và đang gây nên tình trạng sụp lún, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Qua thống kê từ năm 2007 đến nay, vùng ven biển của tỉnh đã bị mất khoảng 8.870 ha đất và rừng phòng hộ vì sạt lở, nguy cơ cao gây vỡ đê biển Tây, buộc tỉnh phải nhiều năm liền ban bố tình huống xử lý khẩn cấp. Sạt lở còn phá hủy nhiều công trình hạ tầng ven sông, ven biển, phương hại đến đời sống và sản xuất của người dân, đặc biệt là cư dân ven biển. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc ứng phó với sạt lở hiện rất nan giải, bởi điều kiện nguồn lực của Nhà nước nói chung, của tỉnh nói riêng còn hạn hẹp.

Từ thực tế nêu trên, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ xem xét cho tỉnh được áp dụng cơ chế ngân sách T.Ư cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (theo quy định của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP). Theo lý giải của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, những dự án nêu trên không trực tiếp sinh lời nhưng phục vụ dân sinh, bảo vệ đất đai cho quốc gia.

Trên 100km bờ sông, bờ biển ở Cà Mau bị sạt lở đến mức nguy hiểm - Ảnh 3.

Sạt lở cuốn mất rừng phòng hộ, đe dọa phá vỡ đê biển Tây tỉnh Cà Mau.

Trong điều kiện khó khăn về vốn, để huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, gây bồi tạo bãi ven biển, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm cơ chế giao đất rừng phía trong (để đầu tư các dự án kinh tế) sau khi doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ biển.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 và lộ trình đến năm 2025, tỉnh Cà Mau sẽ di dời gần 4.800 hộ dân ở nơi có nguy cơ thiên tai cao vào sinh sống ổn định ở các cụm tuyến dân cư mới nhằm bảo vệ an toàn, tính mạng, tài sản và từng bước ổn định đời sống cho người dân. Để thực hiện được việc trên, trước mắt, tỉnh xin Trung ương quan tâm, hỗ trợ hơn 622 tỷ đồng để triển khai thực hiện 12 Dự án di dân khẩn cấp. Ngoài ra, Cà Mau còn xin hỗ trợ khẩn cấp 124,5 tỷ đồng để bảo vệ tuyến đê biển Tây, đồng thời xin bố trí 524 tỷ đồng tiếp tục triển khai thực hiện dự án nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau còn đang dở dang, đoạn từ miền biển Sông Đốc đến thị trấn Cái Đôi Vàm, tổng chiều dài hơn 23.520m. Cà Mau cho biết, dự án nâng cấp đê này nằm trong chương trình 667 về nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, giai đoạn còn lại của dự án (đoạn từ Sông Đốc đến thị trấn Cái Đôi Vàm) vẫn chưa được phân khai vốn.

Tin liên quan
Phim tết có thực sự là mùa vàng?

Phim tết có thực sự là mùa vàng?

(LĐXH) - Những mùa tết gần đây, phim Việt áp đảo các suất chiếu ngoại ở các rạp chiếu. Điều này vừa là động lực, vừa là thách thức đối với các nhà...