Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Bài thơ viết cho cháu ngoại được đưa vào sách giáo khoa tiếng Việt lớp 4

Mai Châm
Mai Châm

(Dân sinh) - Khoảng hai mươi tác phẩm của nhà thơ Đỗ Toàn Diện được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa và sách thực hành cho học sinh tiểu học.

Trong đó có bài thơ "Lên rẫy" được đưa vào sách tiếng Việt lớp 4, tập 1 thuộc bộ sách "Cánh diều", còn lại đa được đưa vào sách thực hành tiếng Việt lớp 3 và lớp 4.

Khi nhận được thông tin tác phẩm của mình được đưa vào SGK, nhà thơ Đỗ Toàn Diện không giấu được niềm vui và xúc động: “Tôi rất vui khi thơ thiếu nhi của mình từ nay được các cháu học sinh biết đến nhiều hơn”. 

z5222071936506_12c787f87cca9aef734c78d0db774cdf.jpg
Nhà thơ Đỗ Toàn Diện là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đắk Lắk (Ảnh: NVCC).

Tuổi xế chiều làm thơ cho cháu đọc

Nhà thơ Đỗ Toàn Diện (sinh năm 1957) là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học và Nghệ thuật Đắk Lắk. Đến nay, nhà thơ đã xuất bản 16 tập thơ và văn xuôi. 

Ngoài ra, khoảng hai mươi tác phẩm của ông được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa và sách thực hành cho học sinh tiểu học. Trong đó có bài thơ "Lên rẫy" được đưa vào sách tiếng Việt lớp 4, còn lại đa được đưa vào sách thực hành tiếng Việt lớp 3 và lớp 4. 

Trên thực tế, nhà thơ Đỗ Toàn Diện mới gắn bó với thể loại thơ thiếu nhi trong gần 5 năm trở lại đây, kể từ thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát vào năm 2019. 

“Thời điểm nghỉ dịch, tôi có điều kiện gần gũi với các cháu ngoại nên tôi đã viết một số bài thơ thiếu nhi cho các cháu đọc”, nhà thơ kể lại. 

Tuy trẻ em ngày nay có đời sống vật chất thoải mái hơn so với thế hệ thời còn chiến tranh nhưng sự vô tư, hồn nhiên của các cháu vẫn khơi gợi trong nhà thơ nhiều cảm xúc, khiến ông nhớ về thời gian hồi nhỏ sống ở vùng núi Thanh Hóa của mình. 

Bài thơ “Lên rẫy” là một trong số những tác phẩm tâm đắc của ông về đề tài tuổi thơ vùng núi. Khi cảm xúc đến, nhà thơ chỉ mất từ 5-10 phút để sáng tác bài “Lên rẫy”. 

“Tôi vốn được sinh ra ở vùng rừng núi, sinh sống cùng đồng bào Mường, đồng bào Mán,… Bạn học của tôi có 1/3 là người đồng bào dân tộc thiểu số nên tôi rất hiểu về sinh hoạt của họ”, nhà thơ kể lại. 

lên rẫy_page-0001.jpg
Bài thơ “Lên rẫy” được tuyển chọn vào sách “Cánh diều”, tiếng Việt lớp 4, tập 1 (Ảnh: sách “Cánh diều”, tiếng Việt lớp 4, tập 1).

Nhớ về thời tuổi thơ ở tuổi xế chiều, nhà thơ muốn đưa những sự chất phác, siêng năng, chịu thương, chịu khó của người miền núi vào trong thơ ca.

Nhà thơ Toàn Diện hồi tưởng về những người bạn dân tộc thiểu số của mình khi 5, 6 tuổi đã phải cùng cha mẹ lên rẫy vì cha mẹ không yên tâm để con ở nhà một mình, cũng như nhớ về thời nhỏ ông cũng phải đi chăn trâu, cắt cỏ để phụ giúp gia đình. 

“Tôi có duyên với miền núi khi sinh ra ở miền núi và hiện giờ cũng đang sống, làm việc ở miền núi. Đó là lí do tôi muốn mang sự chân chất của người miền núi vào trong tác phẩm của mình”, nhà thơ cho hay.

Cơ duyên được đưa tác phẩm vào SGK 

Sinh ra và lớn lên ở miền núi Thanh Hóa, về sau lại công tác ở Đắk Lắk, ông Diện tự nhận mối quan hệ quen biết của bản thân rất hạn chế. Sau nhiều lần đi dự các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng viết văn ở Hà Nội, nhà thơ lại quen biết được nhiều bạn văn chung đam mê, sở thích.

Mỗi lần có tác phẩm văn thơ được xuất bản, ông lại gửi tặng những người bạn trong giới của mình. 

Cũng chính nhờ những món quà gửi tặng và những lần tham dự trại sáng tác, những tác phẩm của nhà thơ Đỗ Toàn Diện có cơ duyên được đưa vào trong sách giáo khoa.

Qua một người bạn, nhà thơ Đỗ Toàn Diện được giới thiệu với PGS.TS Trần Thị Hiền Lương (chủ biên sách “Kết nối tri thức”) và GS Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên sách “Cánh diều”).

Những cuộc trao đổi giữa nhà thơ và hai chủ biên của hai bộ SGK đều diễn ra qua điện thoại chứ chưa một lần gặp mặt. 

Sau khi trao đổi với PGS. TS Trần Thị Hiền Lương, tác phẩm của ông được nhận xét rất phù hợp với sách tiếng Việt lớp 1, lớp 2 và lớp 3. Tuy nhiên vào thời điểm đó, SGK dành cho ba lớp này đã chốt xong danh sách các tác phẩm sẽ được đưa vào chương trình.

Sau đó, PGS. TS Trần Thị Hiền Lương lựa chọn chín bài thơ thiếu nhi của nhà thơ để đưa vào sách thực hành. 

“Khi chọn thơ thiếu nhi của tôi, nếu có những câu, từ không phù hợp với chủ đề của sách, chị lại gọi điện trao đổi với tôi. Trong quá trình sửa bài, chị luôn tôn trọng để tác giả tự sửa”, nhà thơ kể lại. 

Với cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết, nhà thơ Đỗ Toàn Diện gửi cho giáo sư ba tập thơ. Kết quả, bài thơ “Lên rẫy” được đưa vào SGK tiếng Việt lớp 4, tập 1 nhờ nội dung phù hợp với chủ đề chăm học, chăm làm. 

“Trong quá trình chỉnh sửa lại tác phẩm, GS Nguyễn Minh Thuyết luôn cùng tôi sửa. Nếu ai đưa ra đáp án phù hợp thì sẽ chọn của người đó, không câu nệ là tác giả hay người biên tập”, nhà thơ cho hay. 

Trong số những bài thơ được đưa vào sách giáo khoa và sách thực hành của mình, bài thơ “Thư viện trường em” là tác phẩm được sáng tác theo đơn đặt hàng và được chọn vào sách thực hành. 

z5220217666046_b159a65b7cab96308be192d30c21dec6.jpg
Bài thơ “Thư viện trường em” của nhà thơ Đỗ Toàn Diện trong sách thực hành (Ảnh: NVCC).

Được đưa tác phẩm vào chương trình dạy học, nhà thơ Đỗ Toàn Diện nhận thấy để đưa một tác phẩm vào trong SGK là cực khó. Theo ông, đằng sau một tác phẩm được đưa vào sách là cả một hội đồng khoa học thẩm định, bình phẩm, mổ xẻ, phân tích rất kỹ để cân nhắc mức độ phù hợp với tiêu chí đề ra. 

“Thứ nhất, bài thơ phải đúng với chủ đề SGK cần chọn, nội dung không giáo điều, dạy dỗ và áp đặt học sinh phải làm thế này, thế kia. Ngoài ra, giọng thơ cũng phải hồn nhiên, trong sáng”, thi sĩ Đỗ Toàn Diện cho hay. 

Cũng trong năm 2019,ông Đỗ Toàn Diện xuất bản tập thơ “Khúc đồng ca mùa hạ” và gửi tặng một số nhà thơ.

Trong số đó, nhà thơ Mai Văn Phấn đọc và nhận xét: “Thơ của anh viết được đấy!” và gửi cho ông năm bài để giới thiệu trên báo Hải Phòng. Sau đó, báo Hải Phòng đã dành một trang để đăng thơ thiếu nhi của nhà thơ Đỗ Toàn Diện. 

Nhờ sự động viên, khích lệ của nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà thơ Đỗ Toàn Diện đã sáng tác thơ thiếu nhi nhiều hơn cho đến thời điểm bây giờ. 

Đinh Phương Nhung

Tin liên quan
TPHCM: "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ"

TPHCM: "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ"

(LĐXH) - “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” - dù bài hát không có câu, chữ nhắc đến địa danh cụ thể nhưng ai cũng biết đó là TPHCM. Đó là một trong...