Có một thời được gọi với cái tên rất giản dị “Thời thanh niên sôi nổi”. Đó là vào những năm đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng vạn đoàn viên, thanh niên hừng hực sức trẻ của thành phố mang tên Bác đã tình nguyện đi đến các vùng đất xa xôi còn đầy rẫy bom mìn để khai hoang, làm kinh tế, xây dựng quê hương.

Cũng từ đó, nhiều bài về đề tài này đã ra đời và để lại dấu ấn khó phải như: “Em ở nông trường ra biên giới”, “Con đường có lá me bay”, “Ngõ vắng xôn xao”, “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”…
Nguyễn Nhật Ánh viết bài thơ “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” năm 1979, lúc xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam. Khi chiến tranh kết thúc, hàng vạn thanh niên thành phố trong màu áo xanh thanh niên xung phong đi đến những vùng đất cằn cỗi, hoang hóa để khai hoang, xây dựng các vùng kinh tế mới.
Phạm Minh Tuấn đọc bài thơ và thấy đồng điệu nên đã chuyển thành giai điệu, đưa nó trở thành cảm xúc chung của cả một thế hệ thanh niên thành phố đi thẳng từ học đường đến với núi rừng, bưng biền hay biên cương. Điều này lý giải vì sao trong bài hát không có câu nào, từ nào về địa danh TPHCM nhưng ai cũng biết, ai cũng hiểu và thừa nhận đây chỉ có thể là nơi thân thương ấy.
“Có tự bao giờ hàng me thương nhớ”, bài hát bắt đầu như thế. Ở TPHCM, những con “đường me” - con đường cả hai bên đều trồng một loại cây, đó là cây me. Cây me trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3) là những cây trẻ, tuổi đời chừng hơn 20 năm, còn trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) là me cổ thụ.
Xung quanh đây có nhiều trường học lớn như: Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Sài Gòn và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong… Những cây me già là nhân chứng cho bao mối tình, là nơi lưu giữ vô vàn kỷ niệm của một thời áo trắng và còn là cái cớ “cho anh làm thơ”.
Chính bởi thế khi chia xa thành phố, người ta nhớ con đường có lá me bay, rắc đầy bông hoa vàng li ti, nhớ về những nẻo đường đã từng “anh qua trăm buổi, anh lại ngàn lần” nhưng chỉ mỗi một lần bối rối khi được cầm tay người yêu.
Là thành phố trẻ trung, sôi động và tràn đầy sức sống nhưng thành phố mang tên Bác đâu phải chỉ có những tòa nhà chọc trời, khu chợ sầm uất, những bảo tàng, nhà thờ… mà đôi khi được hiện qua những thứ rất bình dị mà vô cùng thân thuộc. Vâng, hãy lắng nghe và chỉ khi lắng nghe ta mới cảm nhận được những gì rất riêng về thành phố của mình.

“Em ơi lắng nghe, nghe thành phố thở. Bằng tiếng sóng vỗ dưới những thân tàu. Bằng hương rừng già trên vai bộ đội. Bằng hương đồng nội thanh niên xung phong. Bằng những tấm lòng chờ mong, chờ mong”.
Và còn một âm thanh khác, âm thanh của lứa tuổi đôi mươi nhớ về thành phố. “Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở. Bằng đôi chim nhỏ bay giữa bầu trời. Bằng bao nụ cười nghiêng nghiêng chờ đợi. Bằng hoa phượng đỏ thương ai trao ai. Yêu lắm cuộc đời, ta xây tương lai”.
Năm 2024, vào dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tâm sự: “Viết về thành phố thì nhiều người viết, nhiều người đã có những sáng tác hay. Tôi cũng đã có “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” viết từ năm 1980, được Cẩm Vân và một số ca sĩ trình bày, được công chúng đón nhận.
Tôi chỉ là giọt nước trong biển rộng mênh mông”. Khiêm tốn mà nói vậy chứ ông sáng tác nhạc từ rất sớm và có nhiều ca khúc được đông đảo người nghe yêu thích như: “Đất nước”, “Bài ca không quên”, “Đường tàu mùa xuân”, “Khát vọng”, “Mùa xuân từ những giếng dầu”….
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn quê ở Xuân Trường, Nam Định nhưng được sinh ra ở Phnôm Pênh, Campuchia năm 1942. Ông tham gia cách mạng từ năm 1960, theo học lớp bồi dưỡng âm nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam và sau đó tốt nghiệp Đại học Sáng tác tại Nhạc viện TPHCM.
Năm 1963, mới chỉ 23 tuổi và đang ở chiến khu, Phạm Minh Tuấn viết ca khúc “Qua sông” và được tặng giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (năm 1965). Nhạc sĩ đã sáng tác trên trăm ca khúc, viết khí nhạc, nhạc phim, kịch nói, cải lương.
Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (đợt 1 - 2001) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Những ngày này, cả thành phố như rạo rực hơn, phấn chấn hơn vì đón chào mùa hoa thứ 50. Cùng với cả nước, thành phố mang tên Bác đã đi qua rất nhiều thăng trầm và mỗi giai đoạn lại để lại những dấu ấn riêng với tình yêu và nỗi nhớ - “nỗi nhớ suốt đời không quên”.
Với cái kết như vậy, bài hát đã tạo ra khoảng trống để mỗi người từ trải nghiệm, từ thực tế sẽ tìm ra đáp án, câu trả lời của riêng mình.
“Như là tình yêu và nỗi nhớ, nỗi nhớ suốt đời không quên” - đó là nỗi nhớ của cả một thế hệ khi đi xa nhớ về thành phố thân yêu và đó cũng là nỗi nhớ của những người khi trở lại thành phố nhớ về những tháng ngày nơi nông trường, nơi biên giới.
Giờ đây TPHCM đã có thêm nhiều công trình mang dấu ấn riêng như: Hầm chui vượt sông dài nhất Đông Nam Á - Thủ Thiêm, cao ốc Landmark 81, Metro Bến Thành - Suối Tiên, những đại lộ thênh thang… nhưng sẽ còn mãi nỗi nhớ về một thời gian khó.
Và đó cũng là tâm sự của chính nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: “Giai đoạn của chúng tôi là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và giai đoạn hiện nay là xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đời sống hôm nay được hun đúc từ máu xương của những người đi trước, vì vậy trách nhiệm của các đồng nghiệp trẻ cần suy nghĩ làm thế nào để góp những tác phẩm xứng tầm với thời đại”.
Nguyễn Kim Tuấn
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ