Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Bảo vệ quyền trẻ em trước biến đổi khí hậu và thiên tai

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Việt Nam là nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới nhiều trận bão lớn đổ bộ vào Việt Nam và đã để lại những hậu quả nặng nề.

Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nhất bởi BĐKH. Bảo vệ quyền trẻ em sau thiên tai là trách nhiệm không chỉ của các cấp chính quyền, mà còn là của toàn xã hội.

BĐKH ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em

Bảo vệ quyền trẻ em trước biến đổi khí hậu và thiên tai - 1
Lực lượng chức năng hỗ trợ đưa trẻ nhỏ đến nơi an toàn.

Trong những năm gần đây, tần suất và cường độ các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam ngày càng gia tăng, một phần lớn là do BĐKH. Những khu vực trước đây vốn bình yên nay trở thành điểm nóng của thiên tai, đẩy trẻ em vào tình thế nguy hiểm. Các ngôi làng bị lũ quét, những khu phố chìm trong nước lũ, các gia đình phải di dời liên tục. Không chỉ là mất đi ngôi nhà, mà các em còn mất đi cảm giác an toàn vốn có. Việc bảo vệ trẻ em trước những tác động của thiên tai cần được đặt lên hàng đầu trong mọi chính sách và chiến lược phòng chống thiên tai của quốc gia.

Để bảo vệ trẻ em trước những tác động khốc liệt của BĐKH, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào hạ tầng chống chịu thiên tai, nâng cao giáo dục phòng chống thiên tai cho trẻ em và tăng cường hỗ trợ tâm lý sau thiên tai. Đồng thời, sự hợp tác với các tổ chức quốc tế và phi chính phủ cần được mở rộng nhằm đảm bảo một môi trường sống an toàn, bền vững, giúp trẻ em có cơ hội phát triển và học tập.

Theo các chuyên gia, những cơn bão tăng cấp thần tốc như Yagi sẽ phổ biến hơn do tình trạng nóng lên toàn cầu. BĐKH là mối đe dọa dài hạn, nhưng với hành động kịp thời và quyết liệt, Việt Nam có thể bảo vệ tương lai của thế hệ trẻ, giúp các em vượt qua những thách thức, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của BĐKH

Việt Nam đã có những hành động tích cực về vấn đề BĐKH với việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tiên về BĐKH vào năm 2008. Kể từ đó, 2 chiến lược (Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh) đã được xây dựng.

Để thực hiện chiến lược này, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012-2020, trong đó đưa ra 65 chương trình/dự án. Trẻ em luôn được công nhận là nhóm dễ bị tổn thương và có một số sáng kiến chính sách giải quyết rõ ràng các vấn đề của trẻ em, trong đó nhấn mạnh vào cơ hội hành động. 

Trong kế hoạch hành động ngành về BĐKH của Bộ Y tế đề cập đến dữ liệu khoa học cung cấp bằng chứng về tác động của BĐKH đối với sức khỏe trẻ em. Bộ Y tế đề xuất thực hiện các hoạt động trong tương lai về các vấn đề này, bao gồm nâng cao nhận thức, giáo dục, dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đồng thời tiếp tục nghiên cứu về vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em ở các vùng dễ bị tổn thương nhất.

Bên cạnh đó, Luật Trẻ em 2016 quy định quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc và biện pháp để đảm bảo thực thi quyền trẻ em.

 Liên quan đến BĐKH, Điều 31 nêu rõ, trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi thiên tai, thảm họa và ô nhiễm môi trường, cũng như nghĩa vụ bảo vệ môi trường của trẻ em. Luật yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức và UBND các cấp đảm bảo trẻ em tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi các văn bản pháp lý, chính sách, chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến trẻ em thông qua diễn đàn trẻ em, hội đồng trẻ em và các nền tảng sáng tạo đổi mới khác. Để thực thi luật, Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Trẻ em (VNCC) được thành lập để giải quyết các vấn đề về quyền trẻ em.

Trong thực tế, Việt Nam đã lồng ghép các nội dung về quyền trẻ em trong chính sách quốc gia về BĐKH, coi trọng việc xử lý tác động của BĐKH đối với quyền trẻ em trong tiến trình thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Việt Nam cũng nỗ lực hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các đối tác trong việc xây dựng chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em về BĐKH, khuyến khích trẻ em thực sự tham gia, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với BĐKH, thiên tai. Một trong những điểm sáng của vấn đề này là Việt Nam đã nỗ lực huy động nhà trường, gia đình và toàn xã hội trang bị cho trẻ em những kiến thức cơ bản về môi trường, BĐKH, cũng như những kỹ năng cần thiết để giảm thiểu rủi ro do thiên tai.

Hợp tác với Unicef

Bảo vệ quyền trẻ em trước biến đổi khí hậu và thiên tai - 2

Để ứng phó với BĐKH, lấy trẻ em làm trọng tâm phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, UNICEF đã đề ra các sáng kiến như khuyến khích mô hình trường học an toàn, hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, nâng cao nhận thức về thiên tai ở trẻ em sử dụng công nghệ tiên tiến và các sáng kiến do thanh niên lãnh đạo cũng như lập bản đồ rủi ro trong trường học và cộng đồng.

Mới đây, để bảo vệ trẻ em Việt Nam bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết: “UNICEF ưu tiên các hỗ trợ cho các trẻ em và gia đình bị thiệt hại bởi bão Yagi bao gồm: Cung cấp các giải pháp xử lý nước, vật tư vệ sinh và lưu trữ nước an toàn cho các hộ gia đình, cơ sở y tế và trường học; vận chuyển vật tư y tế khẩn cấp, bao gồm vaccine, sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng, viên bổ sung dinh dưỡng và bộ vật dụng vệ sinh cá nhân cho các trung tâm y tế ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề;

Hỗ trợ trường học bằng việc thiết lập khu vực dạy và học tạm thời, cung cấp học phẩm, đồng thời hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai; cung cấp bộ vật phẩm thiết yếu, bao gồm tài liệu hỗ trợ tâm lý, dụng cụ giáo dục, vật tư vệ sinh và sản phẩm chăm sóc sức khỏe cơ bản cho trẻ em và gia đình; 

Hỗ trợ tài chính bằng tiền mặt cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt là những gia đình có trẻ em và phụ nữ mang thai".

Cơn bão Yagi đã gây ra những tổn thất lớn đối với Việt Nam, nhưng với sự chung tay của cả cộng đồng và các tổ chức quốc tế, trẻ em tại các vùng bị ảnh hưởng đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Các hoạt động hỗ trợ này không chỉ giúp các em quay trở lại trường học mà còn góp phần ổn định tinh thần, giúp các em sớm vượt qua khó khăn và tiếp tục hành trình phát triển trong tương lai.

Việt Cường

Ấn phẩm Vì trẻ em số 18