Thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, ngày 29/3, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với tổ chức Unicef tại Việt Nam tổ chức tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Đối tượng tập huấn là đội ngũ những người làm công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã của các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông.
Cuộc tập huấn trực tuyến này đã thu hút sự tham gia của khoảng 24.000 người ở 62/63 tỉnh, thành phố với hơn 20.000 điểm truy cập.
Từ khi Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu vào ngày 1/12/1997, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông và trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh nhất ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Về việc áp dụng và sử dụng kỹ thuật số ở nước ta, theo báo cáo của DataReportal, đầu năm 2024 cả nước có 78,44 triệu người dùng Internet, tỷ lệ sử dụng Internet ở mức 79,1%;
Cùng với đó là 72,7 triệu người dùng mạng xã hội vào tháng 1/2024, tương đương 73,3% tổng dân số; Cả nước có 168,5 triệu kết nối di động di động đã hoạt động vào đầu năm 2024, con số này tương đương với 169,8% tổng dân số.
Khẳng định vấn đề bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng được quan tâm của các cấp, các ngành, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em chia sẻ, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần trang bị cho trẻ em “Vaccine số cho trẻ em 3 trong 1”.
Cụ thể, thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, đặc biệt các chế tài cụ thể để bảo vệ trẻ em, giải quyết vấn đề, vụ việc trẻ em xâm hại trẻ em môi trường mạng, cùng với đó là tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em.
Thứ hai, các doanh nghiệp hoạt động trên môi trường mạng, cung cấp dịch vụ mạng có các giải pháp công nghệ, theo dõi, cảnh báo, chặn lọc, gỡ bỏ các thông tin và hành vi gây tổn hại cho trẻ em trên môi trường mạng.
Thứ ba, vaccine mang tính chất quyết định đó là kỹ năng, kiến thức. Vaccine này có được từ tập huấn, truyền thông kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, cha mẹ, giáo viên, cán bộ và người cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng.
Đây cũng là việc mà chúng ta đang làm hiện nay. Khi có vaccine số thì chúng ta tổ chức có hiệu quả việc “tiêm chủng mở rộng”, thực hiện chiến dịch phổ cập vaccine số mở rộng.
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, tổ chức UNICEF chia sẻ: "Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ảnh hưởng đến trẻ, có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đến cuộc sống của các em, đặc biệt là sức khỏe tâm thần.
Những hình ảnh, clip được phát tán tác động tiêu cực đến tâm lý trẻ em, gây tổn thương nghiêm trọng và dai dẳng cho các em. Xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến và ngoại tuyến có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần có sự tham gia vào cuộc của các cơ quan của chính phủ, nhà trường, các bậc phụ huynh và toàn thể xã hội đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ thông tin".
Các nội dung về khung luật pháp chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm hại trẻ em; về rủi ro với trẻ em trên môi trường mạng và một số giải pháp công nghệ để bảo vệ trẻ em;
Về quy trình xử lý, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng và các tình huống thực tế thông qua hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã được trao đổi trong một ngày tập huấn.