Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Cách để bày tỏ tình cảm trong Ngày Gia đình Việt Nam 28/6

Trần Huyền
Trần Huyền

(Dân sinh) - Vào Ngày Gia đình Việt Nam, các gia đình có nhiều cách để bày tỏ tình cảm và tăng cường sự gắn kết như tặng quà, cùng nấu một bữa cơm đoàn viên, trao nhau lời chúc ý nghĩa.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và nuôi dưỡng với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng, đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Ngày Gia đình Việt Nam là ngày cả nước tôn vinh những giá trị tốt đẹp, cốt lõi của gia đình, nhắc nhở những giá trị truyền thống quý báu của cha ông ta từ ngàn xưa, yêu quê hương, yêu đất nước, yêu thương con người, đùm bọc, chở che cho nhau.

ngay gia dinh viet nam.jpg
Vào Ngày Gia đình Việt Nam, các gia đình có nhiều cách để bày tỏ tình cảm (Ảnh minh họa: CV).

Văn hóa Việt Nam luôn tôn vinh những giá trị truyền thống, giá trị của gia đình. Ngày Gia đình Việt Nam còn là ngày để người Việt Nam hướng về nguồn cội, hướng về gia đình, đề cao những tình cảm cao đẹp. Dù đi đâu, làm gì thì gia đình vẫn là nơi để ta nhớ về, yêu thương và trở về.

Bên cạnh đó, ngày này cũng nhắc nhở về sự thủy chung, lòng son sắt của vợ chồng, sự sẻ chia và cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Vào Ngày Gia đình Việt Nam, các gia đình có nhiều cách để bày tỏ tình cảm và tăng cường sự gắn kết như tặng quà, cùng nấu một bữa cơm đoàn viên, trao nhau lời chúc ý nghĩa. Đây cũng là cách người lớn dạy con trẻ về ý nghĩa của gia đình và trách nhiệm đối với các thành viên.

Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

Ngày Gia đình Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng", thông qua hoạt động tuyên truyền, vận động, khuyến khích tất cả các hộ gia đình và từng thành viên gia đình cùng chung tay giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình nhằm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, bền vững;

Song song, thực hiện bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực gia đình, đảm bảo giữ vững các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cần xác định công tác gia đình là một nhiệm vụ thường xuyên, có vị trí quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác gia đình; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Qua đó, giúp các gia đình bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình.

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, nhất là các gia đình chính sách, gia đình người nghèo; xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được những kiến thức về khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, pháp luật và phúc lợi xã hội.

Hưởng ứng lời dạy của Bác, ngày 28/6/2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Chỉ thị coi việc xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc là một mục tiêu quan trọng.

Chỉ thị này cũng yêu cầu đề cao vai trò và trách nhiệm của gia đình, giúp đỡ và tạo điều kiện cần thiết để các gia đình thực hiện trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em.

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam.

Quyết định nhấn mạnh đến vai trò của gia đình cũng như những trách nhiệm của các cán bộ ngành, các cấp và toàn thể xã hội xây dựng gia đình văn minh, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.