Yếu tố khách quan khi chọn ngoại ngữ cho trẻ
Mức độ phổ biến của một ngoại ngữ thường tỷ lệ thuận với cơ hội ứng dụng nó trong học tập, công việc và cuộc sống. Các ngôn ngữ của những quốc gia có nền kinh tế phát triển hoặc đang tăng trưởng mạnh thường được ưa chuộng.

Bên cạnh tiếng Anh, các ngôn ngữ như tiếng Nhật và tiếng Hàn cũng ngày càng phổ biến nhờ quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ với Việt Nam. Tiếng Pháp, với vai trò trong các tổ chức quốc tế và cộng đồng Pháp ngữ, cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc.
Ngoài ra, môi trường sống cũng ảnh hưởng lớn đến quyết định lựa chọn ngoại ngữ. Ví dụ, nếu khu vực trẻ sinh sống có nhiều người sử dụng tiếng Anh, việc tiếp cận và thực hành ngôn ngữ này sẽ dễ dàng hơn.
Những yếu tố chủ quan cần cân nhắc
Mặc dù trẻ nhỏ có khả năng học ngoại ngữ nhanh chóng và tự nhiên hơn so với người lớn, tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý về độ tuổi và khả năng tiếp thu của trẻ, bởi không phải ngôn ngữ nào cũng phù hợp với trẻ ở mọi độ tuổi.
Chẳng hạn, các ngôn ngữ có hệ thống chữ cái Latinh thường dễ học hơn đối với trẻ nhỏ vì tương tự tiếng Việt. Trong khi đó, tiếng Trung hay tiếng Nhật đòi hỏi kỹ năng nhớ ký tự phức tạp, phù hợp với trẻ lớn hơn.
Ngoài ra, sở thích và hứng thú của trẻ cũng là yếu tố quan trọng cần cân nhắc. Nếu trẻ đam mê văn hóa, âm nhạc hay hoạt hình Nhật Bản, việc học tiếng Nhật sẽ trở nên thú vị hơn. Ngược lại, nếu trẻ yêu thích phim ảnh hoặc trò chơi trực tuyến từ phương Tây, tiếng Anh có thể là lựa chọn tối ưu. Sự hứng thú cá nhân sẽ giúp trẻ duy trì động lực học tập lâu dài.
Mục tiêu tương lai và định hướng nghề nghiệp cũng là yếu tố liên quan đến lựa chọn ngoại ngữ. Nếu cha mẹ đã có định hướng nghề nghiệp cho con, việc chọn ngoại ngữ nên phù hợp với nhu cầu của ngành nghề đó.
Giải pháp phù hợp với mức độ cạnh tranh
Trong bối cảnh hiện tại, tiếng Anh vẫn là ngoại ngữ quan trọng nhất mà trẻ nên học. Điều này cũng phù hợp với chương trình ngoại ngữ của trẻ ở mọi cấp học. Sau khi trẻ đã thành thạo tiếng Anh, cha mẹ có thể bổ sung thêm một ngôn ngữ khác phù hợp với định hướng tương lai của con. Sự kết hợp này giúp trẻ vừa đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa, vừa tạo điểm nhấn riêng biệt trong hồ sơ cá nhân.
Tuy nhiên, việc lựa chọn ngôn ngữ thứ hai cần dựa vào sở thích của trẻ và khả năng của gia đình. Thay vì ép buộc trẻ học một ngôn ngữ mà gia đình cho là “hot”, hãy khuyến khích trẻ khám phá và chọn ngôn ngữ mà con yêu thích. Đồng thời, cha mẹ cũng cần cân nhắc khả năng tài chính và thời gian của gia đình để đảm bảo trẻ được đầu tư đúng mức trong suốt quá trình học.
Chất lượng giảng dạy là yếu tố quan trọng trong việc học ngoại ngữ. Cha mẹ nên chọn giáo viên có kinh nghiệm, phát âm chuẩn và sử dụng các phương pháp học tập sáng tạo. Các chương trình học trực tuyến, ứng dụng học ngoại ngữ cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp trẻ tiếp cận ngôn ngữ một cách linh hoạt.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cho trẻ một môi trường học tập đa dạng và thú vị. Học ngoại ngữ không chỉ là học ngữ pháp hay từ vựng, mà còn là quá trình tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa.
Hãy cho trẻ tham gia các hoạt động giao lưu với người bản ngữ, xem phim, nghe nhạc, hoặc thậm chí du lịch đến các quốc gia sử dụng ngôn ngữ đó. Môi trường học tập sinh động sẽ giúp trẻ cảm thấy học ngoại ngữ là một niềm vui chứ không phải một nhiệm vụ.
Học và lựa chọn ngoại ngữ ở một số quốc gia
Việc dạy con lựa chọn ngoại ngữ ở các nước phát triển được xây dựng dựa trên hệ thống giáo dục tiên tiến, chiến lược dài hạn và sự thấu hiểu về vai trò của ngôn ngữ trong cuộc sống hiện đại.
Tại các quốc gia như Đức, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, tiếng Anh được xem là ngôn ngữ không thể thiếu trong hệ thống giáo dục và thường được giảng dạy kết hợp với các môn học khác như Toán hay Khoa học. Sau khi thành thạo tiếng Anh, trẻ em thường được khuyến khích học thêm một ngôn ngữ phổ biến khác, giúp tăng cường sự hiểu biết và kết nối.
Với các quốc gia có truyền thống sử dụng nhiều ngôn ngữ như Thụy Sĩ (với bốn ngôn ngữ chính thức: Đức, Pháp, Ý, Romansh) và Canada (với hai ngôn ngữ chính thức: Anh và Pháp), việc trẻ em học và sử dụng nhiều ngoại ngữ từ nhỏ là điều bắt buộc.
Kinh nghiệm giáo dục của các nước phát triển cho thấy, việc chọn ngoại ngữ phù hợp cho trẻ không chỉ dựa trên xu hướng mà còn phải cân nhắc đến sở thích cá nhân, định hướng tương lai và môi trường sống của trẻ. Làm chủ được nhiều ngoại ngữ không chỉ mở ra cánh cửa đến với thế giới mà còn giúp trẻ phát triển tư duy, sự tự tin và khả năng hòa nhập trong thời đại toàn cầu hóa.
Ngoại ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là tấm vé đưa con trẻ đến với những chân trời mới. Chọn đúng ngoại ngữ ngay hôm nay, cha mẹ đang trao cho con mình một hành trang quý giá cho tương lai.
Quang Hưng
Ấn phẩm Vì trẻ em số 1