Vẫn còn “khoảng trống” về mặt pháp luật
Thống kê cho thấy, tai nạn thương tích là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới và chiếm tới 68% số lượng tử vong ở trẻ em dưới 15 tuổi. Trong đó, tai nạn giao thông (TNGT) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với khoảng 22% số trẻ tử vong trên toàn thế giới và tỷ suất tử vong tại các nước có thu nhập và trung bình cao hơn 58% so với các nước thu nhập cao.

Tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, tỷ suất tử vong do TNGT trẻ em đã giảm, tuy nhiên vẫn còn ở mức rất cao. Mỗi năm, gần 2.000 trẻ em tử vong do TNGT.
PGS, TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương (Trường Đại học Y tế công cộng) nhận định, nguyên nhân dẫn đến TNGT ở trẻ em do thiếu hoặc thực thi chưa đầy đủ các quy định về an toàn khi tham gia giao thông, đặc biệt là sử dụng các thiết bị như mũ bảo hiểm, dây an toàn, thiết bị an toàn trên ôtô.
Theo kết quả nghiên cứu, quan sát của Trung tâm với hơn 1.100 ôtô cá nhân và 1.457 trẻ em độ tuổi từ 0 đến 10 tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, hơn 42% phụ huynh cho con ngồi ở ghế phụ trước trong ôtô, trong đó 19,2% trẻ em được người lớn ôm, bế ở ghế phụ.
Tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ rất thấp ở cả 3 thành phố, bình quân chỉ đạt 1,3%, cao nhất ở Hà Nội là 2,6%, tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn ở Đà Nẵng chỉ chiếm 0,4%.
Khi nghiên cứu viên thực hiện phỏng vấn các bậc phụ huynh có ôtô về vị trí an toàn nhất cho trẻ trên xe, 36% trả lời ghế sau là an toàn nhất, 28% cho rằng ghế trước và 27,8% cho rằng ngồi trong thiết bị an toàn chuyên dụng (đáp án đúng nhất). Cũng theo khảo sát này, tới 75,4% số phụ huynh ủng hộ cần thiết có quy định bắt buộc về thiết bị an toàn trên xe.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm có khoảng 1.800 - 2.000 vụ TNGT liên quan tới trẻ em, trong đó có khoảng 600 - 700 vụ liên quan tới ôtô có trẻ em. TNGT cùng với đuối nước là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ ở nước ta.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, những quy định pháp luật của nước ta đối với vấn đề này còn “chỗ thiếu, chỗ bất cập”.
Dẫn chứng khi di chuyển trên ôtô, dây an toàn bảo vệ rất tốt cho trẻ, song hiện mới chỉ quy định cho người trưởng thành mà lại chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em, ông Minh cho rằng vẫn còn những “khoảng trống” về mặt pháp luật cần phải bổ sung để bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông.
“Khi xảy ra va chạm, lực quán tính và tình huống bất ngờ có thể khiến người lớn không thể giữ chặt trẻ dẫn tới việc trẻ bị văng khỏi ghế, va đập và bị thương nghiêm trọng.
Rất nhiều vụ TNGT đáng tiếc xảy ra nên ý thức bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông là rất cần thiết nhằm tránh những chấn thương nặng cho trẻ. Đây cũng là một trong những cách thiết thực nhất để yêu thương con trẻ”, ông Minh nhấn mạnh.
Hoàn thiện quy định về thiết bị an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, 115 nước đã có quy định cấm trẻ em ngồi ghế trước ôtô; trong đó có 70 nước cấm hoàn toàn, 45 nước cấm nhưng cho phép trẻ ngồi ghế trước nếu có thiết bị an toàn cho trẻ em trên ôtô.
Đặc biệt, gần 100 quốc gia đã thể chế hóa quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân. Đơn cử trong khu vực ASEAN, Singapore bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 135cm, Malaysia bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 136cm và dưới 12 tuổi, quy định của Philippines là dưới 12 tuổi hoặc dưới 150cm.
Dự kiến ngày 26/6 tới, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn và vị trí ngồi an toàn cho trẻ em được luật hóa và áp dụng hiệu quả trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, có thể kéo giảm tới 400 - 500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ôtô mỗi năm tại Việt Nam.
Nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, dự thảo Luật đã cập nhật, chỉnh lý nhiều quy định để bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Trong đó, khoản 3, Điều 9 quy định: “Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 135cm được chở trên ôtô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em”.
Hiện cũng còn ý kiến khác nhau về giới hạn lứa tuổi/chiều cao của trẻ buộc phải sử dụng thiết bị an toàn khi tham gia giao thông. Có ý kiến đề xuất, trẻ em dưới 12 tuổi và cao dưới 150cm phải được chở bằng thiết bị an toàn trên ôtô dành cho trẻ em phù hợp với tuổi/chiều cao của trẻ để có thể bảo vệ tốt nhất cho trẻ.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật cần xem xét tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan thiết bị an toàn cho trẻ em; có quy định chặt chẽ về mũ bảo hiểm trẻ em thông qua ban hành tiêu chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm phù hợp cho từng lứa tuổi trẻ em; tăng cường tuyên truyền, giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm…
Bảo Châu
Báo Lao động Xã hội số 68