Nên học đại học hay học nghề?
Em N.M.A., học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: “Em dự định sẽ chọn học ngành truyền thông đa phương tiện ở một trường cao đẳng vì có nhiều cơ hội việc làm, mức thu nhập khá ổn nếu đam mê và sáng tạo.
Tuy nhiên, cha mẹ lại muốn em học Học viện Bưu chính viễn thông như nghề mẹ đang làm. Em cố gắng thuyết phục nhưng mẹ “dọa” nếu không nghe lời sẽ không cho tiền đi học”.
Khi được hỏi em sẽ làm thế nào để thuyết phục cha mẹ ủng hộ quyết định của mình, N.M.A. cho hay: “Em sẽ mời bố mẹ cùng tham dự Ngày hội tư vấn hướng nghiệp để tìm hiểu kỹ hơn về các trường, trong đó có những trường cao đẳng nghề có chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm rất tốt, phù hợp với em, nhất là lĩnh vực em đam mê”.
Dù vậy, N.M.A. vẫn băn khoăn: “Đa số bạn bè em đều có nguyện vọng vào đại học. Em phân vân không biết nên chọn cao đẳng nghề hay theo học đại học. Với sức học trung bình khá của mình, em lo chỉ đỗ được các trường đại học top dưới. Và như vậy, sau khi tốt nghiệp ra trường, cơ hội tìm việc làm có khó không?”.
Chị Phạm Hương Trà (phụ huynh có con đang học lớp 12 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, con trai chị có lực học trung bình nên gia đình muốn hướng con học nghề, sẽ có nhiều cơ hội tìm việc làm hơn, tuy nhiên con chị lại mong muốn được học đại học.
Thời điểm này, không chỉ chị Trà mà nhiều phụ huynh có con đang học lớp 12 đều có chung băn khoăn là nên cho con học đại học hay học nghề. Thực tế, nhiều người quan niệm tấm bằng đại học là cách giúp các em có tương lai tốt nhất.
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm phù hợp khá nhiều. Đó là chưa kể, không ít sinh viên mặc dù được đào tạo trình độ đại học nhưng khi ra trường về các đơn vị, doanh nghiệp lại không làm được việc.
Cùng con chọn hướng đi phù hợp
Ths Bùi Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Hà Nội cho biết: “Học đại học hay học nghề đều có những ưu, nhược điểm riêng. Việc chọn bậc học nào còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, năng lực và mong muốn của mỗi thí sinh.
Nếu các em có năng lực và kinh tế gia đình có thể đáp ứng được mức học phí cao, thời gian đào tạo dài 4-5 năm thì nên chọn học đại học.
Nếu các em muốn học nhanh, chi phí thấp, có việc làm sớm và kinh tế gia đình không quá dư dả, thì con đường học nghề là lựa chọn phù hợp. Học nghề xong, cơ hội việc làm khá rộng mở, vì hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang thiếu nhân lực có tay nghề cao”.
Còn theo TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội: “Chương trình đào tạo ở các trường cao đẳng, về cơ bản đều dạy thực hành chiếm phần đa số. Một số trường chất lượng cao, giờ thực hành được nhiều hơn, có thể đạt tới 70-80%.
Vì thời gian học thực hành chiếm đa số, nên những học sinh có học lực văn hóa ở bậc THPT chưa giỏi, nhưng học nghề ở bậc cao đẳng hoàn toàn có thể giỏi về lĩnh vực nghề nghiệp. Phần lớn, ngay từ năm thứ 2 các em đã được doanh nghiệp chào đón và có việc làm từ khi còn đang đi học cao đẳng.
Chọn bậc học nào là phải phù hợp với năng lực của bản thân, phù hợp với sở trường, nhu cầu, mục tiêu cũng như đam mê của mình. Quan trọng là sau khi các em học xong, tốt nghiệp, ra trường, đi làm việc, có kinh tế và sớm tự lập”.
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) phân tích, hiện nay, thị trường lao động Việt Nam thiếu cả nhân lực tốt nghiệp đại học và nhân lực tốt nghiệp cao đẳng, trường nghề, đặc biệt là “thầy” và “thợ” chất lượng cao. Mỗi bậc học sẽ có ưu và nhược điểm riêng.
Do đó, mỗi thí sinh cần cân nhắc kỹ những ưu điểm, thách thức của học nghề và học đại học, từ đó lựa chọn hướng đi phù hợp nhất cho bản thân.
Việc chọn học gì, làm gì sau khi tốt nghiệp THPT là rất quan trọng. Lựa chọn nghề nghiệp đúng giúp học sinh phát huy được sở trường, đam mê và có động lực phấn đấu. Chính vì vậy, khi con trẻ lựa chọn ngành rất cần sự định hướng của cha mẹ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cha mẹ sẽ toàn quyền quyết định thay con.
Cha mẹ chỉ nên định hướng cho con dựa trên những hiểu biết về sở trường, sở đoản, tâm sinh lý và cả điều kiện kinh tế gia đình.
Hãy để cho con cái được quyết định nghề nghiệp bằng chính năng lực, khả năng vốn có và niềm đam mê, mơ ước của chính các em.
Hồng Nga