Trò chơi điện tử trực tuyến (game online) là loại hình giải trí trong thế giới ảo, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của người chơi nếu không biết cách kiểm soát, sắp xếp thời gian chơi game hợp lý, có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với người chơi, như: bỏ học, hoang tưởng, rối loạn tâm lý, thậm chí vướng vào vòng lao lý…
Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Chung (Khoa Động kinh, nghiện chất, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng - Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk), nghiện game là dạng bệnh chưa có trong bảng mã bệnh nhưng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào một dạng bệnh tâm thần.
Dấu hiệu của người nghiện game là hành vi liên tục chơi game hoặc tái phát chơi game (chơi online hoặc offline).
Người được xác định nghiện game hay mắc rối loạn chơi game khi có các dấu hiệu: khó điều khiển được bản thân khỏi game, coi trọng việc chơi game hơn tất cả những việc khác trong cuộc sống, mọi chế độ sinh hoạt bị đảo lộn, quên ăn, quên ngủ, quên cả chuyện học, đầu óc luôn ám ảnh những nhân vật trong game.
Bên cạnh đó, việc chơi game online thường xuyên còn khiến giấc ngủ người chơi không ổn định, ngủ không sâu.
Nếu ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm, về lâu dài rất có hại với sức khỏe và não bộ, cơ thể rất dễ bị suy nhược, kiệt sức, giảm trí nhớ, không tập trung. Lâu dần sẽ mắc hội chứng rối loạn tâm lý vì game online và được coi là tình trạng bệnh nghiện game.
Các game online thịnh hành trên thị trường thường là game bạo lực, gây ra những tác động xấu về nhận thức và hành động. Người nghiện game tin rằng thế giới thực giống thế giới ảo trong trò chơi, từ đó dẫn đến những cư xử và hành động giống như trong trò chơi, thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo.
Đây cũng là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này cũng như giải thích các động cơ của nhiều tội phạm nghiêm trọng trong thời gian gần đây.
Do bận công việc vợ chồng chị T.T.H. (ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) ít dành thời gian quan tâm, quản lý con. Con trai học lớp 7 của chị hay xin tiền học thêm môn này, môn kia nhưng thực chất là để đi chơi game online mà vợ chồng chị không hề hay biết.
Đến khi cháu có biểu hiện học hành sa sút, giáo viên chủ nhiệm thông báo cháu cúp học thường xuyên không có lý do thì vợ chồng chị H. mới phát hiện con trai mình nghiện game, trốn học.
Gia đình đã hết lời khuyên răn, dọa nạt nhưng cháu vẫn không dứt được game. Từ ngày nghiện game online, tính tình cháu thay đổi hẳn, từ một cậu bé hiền lành, ngoan ngoãn, hay vâng lời bố mẹ thì giờ cháu dễ nổi cáu, khó chịu mỗi khi bố mẹ nhắc nhở học hành.
Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là trẻ nghiện game ngày càng gia tăng do nhiều phụ huynh chiều con, hay vì công việc thiếu thời gian gần gũi với trẻ… Phụ huynh quá dễ dàng trong việc đáp ứng những đòi hỏi của con cái từ tiền bạc, điện thoại, máy tính bảng, máy chơi game…, mà hoàn toàn không kiểm soát được những hoạt động của con mình trên các thiết bị thông minh đó.
Để trẻ không nghiện game online, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm, gần gũi, chia sẻ với trẻ, khuyến khích con tham gia những hình thức giải trí mang tính cộng đồng, vui chơi theo lứa tuổi để tránh phụ thuộc vào thiết bị công nghệ.
Nếu phát hiện con mình có những biểu hiện như: lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai… thì nên đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, phát hiện sớm tình trạng nghiện game để có biện pháp điều trị kịp thời.