Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Để “Kế hoạch nhỏ” không mang nặng hình thức

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã được triển khai trong 66 năm qua, góp phần quan trọng trong việc rèn luyện tính tiết kiệm, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” của các em thiếu nhi.

Tuy nhiên, sự việc ồn ào liên quan đến phong trào ở Hà Nội mới đây đã cho thấy một phần tính hình thức của nó. Vậy cần làm gì để phong trào “Kế hoạch nhỏ” thực sự thiết thực và hiệu quả đúng như tên gọi?

Phong trào “Kế hoạch nhỏ” liệu còn cần thiết?

Vừa qua, mẹ của một học sinh lớp 7 ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bức xúc chia sẻ việc giáo viên nhắn tin lên nhóm phụ huynh yêu cầu mỗi học sinh nộp tối thiểu 2kg giấy vụn, em nào thiếu phải gọi phụ huynh mang đến. Nếu không nộp đủ sẽ bị phạt 50.000 đồng/kg.

Anh 2 ke hoach nho (1).jpg
 Phong trào “Kế hoạch nhỏ” góp phần rèn luyện kỹ năng tiết kiệm cho học sinh.

Nội dung tin nhắn đã gây bức xúc từ phụ huynh và dư luận. Trên các diễn đàn phụ huynh, hàng trăm người nói từng giúp con đối phó với những lần làm "kế hoạch nhỏ".

Có người bức xúc vì không uống bia, nước ngọt nhưng trường yêu cầu nộp vỏ lon; có trường thì áp đặt định mức giấy vụn, bố mẹ muốn nộp tiền cũng không xong; có trường trách phạt học sinh, tính điểm thi đua...

Những bức xúc này đã đặt ra câu hỏi: Liệu phong trào “Kế hoạch nhỏ” chỉ còn là hình thức? Một số chuyên gia giáo dục, trong đó có PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng các hoạt động của phong trào hiện nay chỉ giữ được hình thức.

Thực tế, việc thu gom giấy vụn không giúp học sinh biết tiết kiệm, rất hiếm trẻ giữ lại 1-2 tờ giấy để gom cho đủ 2, 3kg. Thay vào đó, phụ huynh phải tham gia trực tiếp vào phong trào kế hoạch nhỏ của con.

Bởi lẽ, cùng với phát động phong trào, giáo viên chủ nhiệm thường giao chỉ tiêu cho từng học sinh. Tại nhiều trường, giáo viên chủ nhiệm nhắn tin vào nhóm lớp để phụ huynh hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ.

Chị Vũ Thị Thuận (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, để có 2 đến 3kg giấy vụn nộp kế hoạch nhỏ đối với chị là không dễ. Bởi chị làm nghề cắt tóc gội đầu nên không có nhiều giấy cũ. Mỗi lần nộp kế hoạch nhỏ, chị phải ra hàng giấy vụn mua cho con.

Dư luận cũng cho rằng “kế hoạch nhỏ” hiện không còn phù hợp. Nhiều nhà không có thói quen tích trữ vỏ lon, giấy vụn vì nhà chật lại mất vệ sinh. Các trường học cũng không mặn mà mỗi lần phát động phong trào.

Theo hướng dẫn, giấy, vỏ lon sau thu gom sẽ được thu mua trực tiếp tại trường.

Liên đội trường được giữ lại 75% (khoảng vài trăm nghìn đồng) để mua sắm tài liệu, khen thưởng học sinh, còn lại nộp về Hội đồng Đội cấp trên. Trong khi để triển khai, các trường đều phải lên kế hoạch, rồi phân công giáo viên tiếp nhận, phân loại giấy, chai lọ học sinh mang đến.

Điều này vừa mất thời gian, hiệu quả lại không cao, gây mệt mỏi cho cả phụ huynh và nhà trường.

Trước thực trạng trên, ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương cho biết: Trường hợp phụ huynh phản ánh mới đây tại Hà Nội chỉ là cá biệt, do cách thức triển khai phong trào không đúng mục tiêu và quan điểm chỉ đạo của Hội đồng Đội cấp trên, làm sai lệch hình ảnh cũng như ý nghĩa của một phong trào có truyền thống lâu đời của các thế hệ thiếu nhi Việt Nam. 

Để phong trào “Kế hoạch nhỏ” mang ý nghĩa lớn

Cũng theo đại diện Hội đồng Đội Trung ương, phong trào "Kế hoạch nhỏ" đã có lịch sử 66 năm, khi lớp lớp thiếu nhi Việt Nam cùng chung tay, góp sức dựng xây đất nước, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình”.

Ngày nay, qua phong trào "Kế hoạch nhỏ", nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo, mô hình hay đem lại hiệu quả giáo dục tốt, tạo được sự đồng thuận từ gia đình và nhà trường như: Mô hình "Vườn rau em chăm", “Xe đạp giúp bạn đến trường”, “Túi gạo tặng bạn”, “Nuôi heo đất giúp bạn đến trường”, “Một triệu cuốn vở tặng bạn”...

Từ các phong trào ấy, chỉ tính từ năm 2018 đến 2023, thiếu nhi cả nước đã thu gom được hơn 8,2 triệu tấn giấy vụn, trị giá hàng chục tỷ đồng để xây dựng "Quỹ Đội" và giúp đỡ thiếu nhi nghèo vượt khó; quyên góp xây dựng được hơn 1.300 tủ sách học đường; nuôi hơn 7.339 "Đàn gà khăn quàng đỏ" (mỗi đàn 20 con gà giống)... 

“Kế thừa những giá trị tốt đẹp đó, hiện phong trào “Kế hoạch nhỏ” tập trung hướng dẫn thiếu nhi tham gia với tinh thần chủ động, giúp thiếu nhi hiểu và nhận thức đúng về ý nghĩa và giá trị của phong trào, hướng dẫn cho các em biết thực hành tiết kiệm thông qua các hoạt động hằng ngày, thường xuyên tại trường, lớp, gia đình.

Qua đó nâng cao ý thức tiết kiệm, yêu quý lao động, bảo vệ môi trường, biết giúp đỡ và chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn...”, ông Lê Anh Quân nói.

Để “Kế hoạch nhỏ” mang lại hiệu quả thiết thực, tránh hình thức, các tổ chức Đội các cấp cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của phong trào đến các em thiếu nhi, gia đình và toàn xã hội.

“Hội đồng Đội các cấp và cơ sở Đội cần đảm bảo đúng mục tiêu, tôn chỉ của phong trào theo hướng vận động, khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để thiếu nhi tham gia.

Không được áp đặt chỉ tiêu đóng góp của thiếu nhi và không bắt buộc các em đóng góp kế hoạch nhỏ nếu không có điều kiện tham gia. Tuyệt đối không yêu cầu thiếu nhi nộp tiền thay kế hoạch nhỏ.

Việc biểu dương các em phải trên cơ sở tính tích cực, chủ động, thường xuyên làm “Kế hoạch nhỏ”. Hội đồng Đội Trung ương mong muốn phụ huynh tạo điều kiện tốt nhất để thiếu nhi được tham gia phong trào với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” nhưng không làm thay để các em có được những trải nghiệm hay, bài học quý giá nhằm hình thành nhân cách của các em trong tương lai”, ông Lê Anh Quân nói.

An Nhiên

Báo Lao động Xã hội số 59