Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Sân khấu thiếu nhi: Khan hiếm kịch bản hay

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Nhiều năm nay, tình trạng khan hiếm kịch bản cho thiếu nhi liên tục tái diễn, các nhà hát phải tìm tòi các nguồn và đặt hàng nhưng vẫn rất thiếu vì đây là đề tài tương đối khó, ít tác giả viết. Tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất mới đây, vấn đề này một lần nữa lại được xới xáo…

Lâu nay, các nhà hát rất chú trọng việc dựng vở cho thiếu nhi, từ xây dựng kịch bản, mời đạo diễn nước ngoài dàn dựng, xã hội hóa tác phẩm sân khấu… nhằm kéo khán giả nhí đến với sân khấu mùa hè.

Tuy nhiên, việc nở rộ hình thức Việt hóa kịch bản nước ngoài để bán vé khiến màu sắc văn hóa Việt trên sân khấu truyền thống có phần mờ nhạt, chiếm số lượng ít ỏi so với tác phẩm có kịch bản từ yếu tố nước ngoài.

giac-mo-cua-nang-tien-cajpg.jpg
Tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi rất ít, chất lượng chưa đồng đều. (Ảnh minh họa)

Từ “Rồng thần trở lại” hay “Biệt đội siêu anh hùng” đánh dấu địa hạt mới của NSND Tự Long với vai trò viết kịch bản, song phiên bản kịch cũng lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh “Bảy viên ngọc rồng” và vũ trụ Marvel nổi tiếng.

Các vở diễn cho thiếu nhi được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng như: “Bữa tiệc của Elsa”, “Chú mèo dạy hải âu bay”, nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh”, nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” cũng không nằm ngoài xu thế đó. Trong đó, “Tấm Cám" (Bống bống bang bang) của Liên đoàn Xiếc Việt Nam là số ít tác phẩm xây dựng kịch bản gốc Việt đang công chiếu phục vụ khán giả.

 Lý giải hiện tượng thiếu vắng tác phẩm thiếu nhi chất lượng cao, NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, hầu hết vở kịch được chuyển thể từ cổ tích, truyện cổ Andersen, truyện ngụ ngôn phương Tây.

Trong đó, đội ngũ kịch bản chưa hùng hậu, chất lượng, trong khi đòi hỏi của khán giả ngày càng cao. Nhiều năm nay, Nhà hát Kịch Việt Nam đã mua bản quyền hình ảnh để được sử dụng các tạo hình nhân vật như rồng thần, người nhện…

Theo NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi rất ít, chất lượng chưa đồng đều. Đặc biệt, đa số đơn vị sân khấu gặp vấn đề khan hiếm kịch bản hay.

Tác phẩm đa số lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật hoặc cốt truyện nước ngoài. Vì thế, đa số các em yêu thích nhân vật nước ngoài, biết chuyện cổ tích nước ngoài nhiều hơn là những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

NSND Trung Hiếu cho rằng, chính việc này đã dẫn đến việc nhiều vở diễn cho thiếu nhi hiện nay chưa phát huy được hết tác dụng và vai trò quan trọng của giáo dục về tình yêu nước, về sự hiểu biết văn hóa dân tộc và định hướng phát triển nhân cách. 

Nói về việc khan hiếm tác giả kịch bản viết cho thiếu nhi, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, khoảng 10 người viết kịch thì chỉ một, hai người viết về đề tài thiếu nhi. Người cầm bút viết về đề tài thiếu nhi phải thực sự hòa mình cùng đời sống của trẻ thì khi đó tác phẩm văn học hay sân khấu mới được sự đón nhận.

Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị duy nhất duy trì cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu dành cho thiếu nhi để tạo nguồn kịch bản mới. Bên cạnh đó, đội ngũ sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ... của nhà hát luôn cập nhật yếu tố mới, hiện đại để tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm.

NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, có những khán giả từ hàng chục năm trước nay tiếp tục đưa con em đến nhà hát thưởng thức nghệ thuật. 

"Có một thực tế là vấn đề kịch bản cho thiếu nhi tương đối khó vì ít tác giả viết, trong nhiều năm liền Nhà hát Tuổi trẻ đã phải tìm tòi các nguồn và đặt hàng. Gần đây, cuộc thi sáng tác kịch bản dành cho trẻ em do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức đã giúp chúng tôi tìm được một số kịch bản phù hợp, kịp đưa vào kế hoạch dàn dựng.

Cuộc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ I/2024 mở ra những hoạt động sân khấu dành cho thiếu nhi có tính quy mô hơn, phù hợp giai đoạn phát triển công nghiệp biểu diễn.

Bên cạnh khâu kịch bản, đội ngũ sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo, thiết kế mỹ thuật, âm thanh ánh sáng của nhà hát cũng không ngừng cập nhật xu hướng, yếu tố giải trí mới và hài hòa với văn hóa Việt Nam để tăng tính hấp dẫn", bà Cao Ngọc Ánh cho biết.

Duy Linh

Báo Lao động Xã hội số 62