Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Từ phong trào “diệt giặc dốt” đến quốc gia tốt nhất về giáo dục

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Ngay sau ngày thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào xoá mù chữ, coi mù chữ như một “quốc nạn”.

Từ một đất nước có hơn 95% người mù chữ, đến năm 2021, Việt Nam được đánh giá xếp thứ 59 trong các quốc gia tốt nhất về giáo dục của tổ chức xếp hạng uy tín thế giới (US News).

Từ phong trào Bình dân học vụ diệt “giặc dốt” 

lop hoc.jpg
Lớp bổ túc văn hoá của cán bộ huyện Quế Phong, Nghệ An năm 1967.

Sau ngày 2/9/1945, chính quyền nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối mặt với nhiều khó khăn, nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm bủa vây tứ phía. Đặc biệt, có đến 95% dân số không biết chữ. Cứ 100 người dân thì có 3 trẻ em từ 8 đến 16 tuổi được đi học và 2 người lớn biết chữ, còn 95 người không được đi học. Với các làng mạc, thôn, xóm xa thành thị và nhất là vùng núi thì để tìm được một người biết chữ lại càng hiếm.

Trong bối cảnh đó, một ngày sau khi giành được độc lập, trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, coi đó là nhiệm vụ cấp bách thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền.

Hồ Chủ tịch nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" và nhấn mạnh, "dốt là dại, dại thì hèn. Vì vậy, không chịu dại, không chịu hèn, cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới".

Ngày 8/9/1945, Nha Bình dân học vụ ra đời, nằm trong Bộ Quốc gia giáo dục. Cùng ngày, Sắc lệnh số 19 - SL hạn trong 6 tháng làng nào, thị trấn nào cũng phải có ít nhất một lớp học bình dân và Sắc lệnh số 20 - SL cưỡng bách học chữ quốc ngữ trong toàn quốc được ban hành.

Một ngày sau khi thành lập, để xác định cách tổ chức và hoạt động cho phong trào, Nha Bình dân học vụ liên tiếp tổ chức các lớp huấn luyện ở Hà Nội và các miền. Lớp học đầu tiên dành cho cán bộ phụ trách ở các tỉnh mang tên "khóa Hồ Chí Minh" khai giảng ở Hà Nội, có sự tham dự của Hồ Chủ tịch và lãnh đạo các bộ. Những người đầu tiên dự lớp học này chính là nguồn cán bộ nền móng cho phong trào xóa mù chữ. 

Bình dân học vụ đã dấy lên tinh thần say mê học chữ từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Trước đó, hoạt động của Hội truyền bá chữ quốc ngữ đã để lại cho phong trào nhiều kinh nghiệm cũng như lực lượng trí thức tình nguyện tham gia dạy học cho nhân dân.

Công nhân học trong xưởng thợ, thương binh học ở an dưỡng đường, ngư dân học ngay trên thuyền chài, nông dân học trên cánh đồng, sân đình chùa, gốc đa, bến nước, trẻ nhỏ học trên lưng trâu.

Người dân ban ngày đi làm, ban đêm thắp đèn dầu, đốt đuốc đến lớp. Học viên là những em bé, cụ già râu tóc bạc phơ hay những phụ nữ vừa đánh vần vừa ngại ngùng cho con bú.

Giáo viên bình dân học vụ thuộc đủ các giới, lứa tuổi, không có lương bổng, hễ biết chữ là tham gia. Họ dạy học, dựng trường, tạo lớp, tìm kiếm học phẩm, cổ động học viên. Có lớp có giáo viên, nhưng có lớp giao cho người trong nhà dạy lẫn nhau, chồng dạy vợ, con dạy mẹ, anh chị dạy em.

Cách dạy cũng được cải biên cho phù hợp với tình hình dân trí lúc bấy giờ, đó là đọc lên thành tiếng, chữ cái, vần được tạo thành câu thơ lục bát, so sánh để dễ nhớ: I, tờ (i, t) giống móc cả hai/I ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà/ô thì đội mũ, ơ thời thêm râu.

Dụng cụ học tập thiếu thốn, người học dùng chõng tre, cánh cửa làm bàn, bảng viết là bức tường, cánh cửa, tấm phản dựng lên, phấn là gạch non, đất sét, than củi; lá chuối khô, mo cau thay giấy, mực thì dùng bất cứ hoa, cây cỏ nào có thể làm màu.

Ở mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử đất nước, Bình dân học vụ lại có những nhiệm vụ khác nhau. Sau ngày độc lập, Bình dân học vụ có nhiệm vụ xây dựng và phát triển phong trào, dạy cho nhân dân biết chữ.

Chỉ trong 1 năm, từ tháng 8/1945 đến tháng 8/1946, Bình dân học vụ đã dạy cho hơn 2,5 triệu người biết chữ, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, phong trào bình dân học vụ lại được khơi dậy ở khắp nơi, đầy khí thế. Cuối tháng 2/1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành ở miền Nam cơ bản thanh toán nạn mù chữ.

... Đến xã hội học tập

Lop binh dan hoc vu.jpg
Bộ đội Biên phòng Quế Phong, Nghệ An tham gia dạy bổ túc văn hoá cho người dân. (Ảnh chụp năm 1967).

Trải qua các giai đoạn, nền giáo dục Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc cải cách. Cải cách giáo dục đầu tiên vào năm 1950, chuyển cấp “trung học chuyên khoa” học 3 năm chuyên ban thành “phổ thông cấp III” không chuyên ban. Cải cách thứ hai vào năm 1956 sáp nhập hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm và 12 năm đang tồn tại song song ở miền Bắc thành hệ thống giáo dục mới 10 năm. Từ năm 1981-1982 chuyển từng bước, có trọng điểm. Năm 1982-1983 mở rộng, thống nhất trong cả nước chương trình giáo dục phổ thông 12 năm..

Tính đến tháng 6/2023, cả nước có 37.619 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập; trong đó nhiều nhất là cấp tiểu học với 12.354 trường, cấp mầm non 12.152 trường, cấp trung học cơ sở 10.672 trường...

Về số phòng học, cả nước có 606.210 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, trong đó, số phòng học kiên cố là 517.920 phòng, đạt tỷ lệ 85%. Cấp trung học phổ thông có tỷ lệ phòng học kiên cố hóa nhiều nhất, đạt 96,4%; tiếp đến là trung học cơ sở đạt 93,7%, cấp tiểu học đạt 82% và mầm non đạt 79,5%.

Giáo dục Việt Nam tiếp tục có nhiều thành tựu nổi bật. Chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước được nâng cao. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường tăng 4,6% so với năm học trước; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường và huy động học sinh cấp tiểu học đúng độ tuổi đều duy trì ở mức cao 99,7%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt mức cao 98,81%; có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%.

Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Học sinh Việt Nam đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới, tăng 5 bậc so với năm trước.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số phát triển con người (HDI) được công bố tại Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) vào tháng 3/2024 ghi nhận: “Việt Nam đã tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên vị trí 107, tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có chỉ số HDI cao”.

Ngày 10/6/2023, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.

Lễ phát động với mục đích tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đây là phong trào quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người dân”. 

Theo Thủ tướng, nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến quan trọng; mạng lưới giáo dục được mở rộng trên khắp mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người.

Đã xuất hiện nhiều phong trào học tập ngoại ngữ, học kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi ở nông thôn; lớp học trên ghe, thuyền cho các cháu làng chài miền sông nước. Lớp học tiếng Việt cho người dân tộc thiểu số. Lớp học tiếng Anh ở vùng cao do các thầy cô giáo dưới xuôi giảng dạy thông qua các phương tiện nghe nhìn. Lớp học tình thương dành cho các cháu mồ côi, khuyết tật…

Đặc biệt là phong trào học tập từ xa thông qua internet thời kỳ Covid-19.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải chung sức đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn để người người học tập, nhà nhà học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập và cả nước học tập. Học tập bất cứ nơi nào, khi nào có thể, học tập tất cả các lĩnh vực. Học tập để hoàn thiện mình về đức, trí, thể, mỹ.

Học tập để đổi mới sáng tạo, góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Việt Nam và học tập để chúng ta không tự ti, không tự mãn. Học tập để chúng ta xây dựng đất nước ngang tầm với các nước phát triển, năm châu bốn bể. Học tập để chứng minh rằng dân tộc ta không thua kém bất cứ dân tộc nào. Sức mạnh của dân tộc bắt nguồn từ nhân dân, bắt nguồn từ văn hóa”.

Minh Châu

Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8

Tin liên quan
Giáo dục truyền thống qua lễ hội

Giáo dục truyền thống qua lễ hội

(VTE) - Với ý nghĩa gắn kết cộng đồng, lễ hội không chỉ là dịp vui chơi mà còn là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu công...
Hải Dương ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

Hải Dương ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

(VTE) - Những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn chú trọng ưu tiên nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ...