Trẻ bị xâm hại thường bị sang chấn tâm lý
Tổ chức Y tế thế giới ước tính, các rối loạn ám ảnh (OCD) là một trong 20 nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật liên quan đến bệnh tật cho những người trong độ tuổi từ 15 đến 44.
OCD có tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống và có thể làm giảm đáng kể mức độ hoạt động người bệnh. Trong khi đó, tỷ lệ ám ảnh sợ xã hội có xu hướng gia tăng với tỷ lệ tăng lên khoảng 14% trong độ tuổi vị thành niên.
Thời gian qua, một số vụ xâm hại tình dục trẻ em đã gây bức xúc dư luận. Bé gái 12 tuổi (trú tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đi uống cà phê một mình và một số nam thanh niên, thiếu niên đến làm quen.
Sau đó, nhóm này rủ cô bé đến nhà một người bạn khác để ăn uống, cháu gái đồng ý. Ăn nhậu xong, do trời khuya, cả nhóm rủ bé gái nghỉ lại tại một nhà nghỉ. Tại đây, bé gái đã lần lượt bị 5 thanh, thiếu niên (trong số này có một nam sinh lớp 8) xâm hại tình dục.
Biết thông tin, gia đình nạn nhân đã làm đơn trình báo và Công an huyện Krông Pắk đã bắt tạm giam 5 đối tượng để điều tra về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.
Tại TP Buôn Ma Thuột, một người đàn ông cũng làm đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo việc cháu gái 15 tuổi bị 2 người hiếp dâm trong phòng trọ...
Những vụ việc đau lòng gióng lên hồi chuông báo động trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, bảo vệ trẻ khỏi những hành vi thú tính. Xâm hại tình dục trẻ em được coi là tội ác và phải có chế tài xử lý nghiêm những kẻ gây ra tội ác.
Ở khía cạnh y tế - sức khỏe, các bác sĩ cho biết, những trẻ từng bị quấy rối, xâm hại tình dục thường rất dễ gặp phải các rối loạn stress sau sang chấn.
Theo TS, BS Dương Minh Tâm, các sang chấn tâm lý thường gặp phải khi bản thân bị hành hạ hoặc chứng kiến người thân bị hành hạ. Những hình ảnh đó tiếp nhận đầy đủ trong đầu người bị lạm dụng hoặc người chứng kiến dẫn đến những trải nghiệm cảm xúc kinh sợ gắn sâu vào tâm trí.
"Ngay sau khi bị quấy rối, xâm hại tình dục, trẻ luôn bị ám ảnh bởi những hình ảnh, cảm xúc đáng sợ dù đang học tập, làm việc, kể cả khi ngủ hay trong giấc mơ.
Những hình ảnh, trải nghiệm đó làm cho bệnh nhân sợ hãi, mất tập trung, người bệnh buồn phiền, xấu hổ, mất tự tin, thu mình, dẫn đến ức chế tư duy để phát triển. Tình trạng đó kéo dài âm thầm gây tổn hại đến sức khỏe, người bệnh cảm thấy không lối thoát, thậm chí nhiều người còn có ý định tự tử ", TS Tâm nói.
Sẻ chia để được trị liệu đúng cách
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, các bác sĩ từng tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân bị sang chấn tâm lý, stress nặng do bị lạm dụng, quấy rối tình dục.
Hiện việc chẩn đoán, điều trị các bệnh nhân rối loạn stress, rối loạn lo âu, trầm cảm... nói chung đã khó, ở những bệnh nhân từng bị lạm dụng, quấy rối hoặc xâm hại tình dục càng khó khăn hơn rất nhiều.
Bởi lẽ người bệnh khó nói ra nguyên nhân dẫn đến bệnh, khó nói về việc mình đã gặp phải trong quá khứ. Khi không nói rõ nguyên nhân, việc chỉ chữa triệu chứng bên ngoài sẽ không giải quyết được vấn đề, bệnh không khỏi mà còn ngày càng nặng và nguy hiểm.
Rất nhiều bệnh nhân nhiều năm trời sống thu mình, không chia sẻ, chỉ đến khi họ thật sự tin tưởng bác sĩ, thân với bác sĩ hơn cả người thân trong gia đình thì mới dám kể về những ký ức được giấu kín.
Lúc này, mọi lo lắng sợ hãi mới được giải tỏa, bác sĩ mới có thể điều trị hiệu quả cho người bệnh. Tùy vào mức độ sang chấn tâm lý, các bác sĩ sẽ kết hợp những biện pháp khác nhau, có những trường hợp phải cho bệnh nhân kể lại với những cảm xúc đầy đủ như lúc bị hại, dần dần trị liệu thay thế bằng những cảm xúc tích cực, nhiều lần như vậy giúp thay đổi cảm xúc của người bệnh, bớt dần triệu chứng.
TS Tâm khuyến cáo, để phòng tránh trẻ bị xâm hại tình dục, cha mẹ và nhà trường cần dạy trẻ các kỹ năng tự bảo vệ. Với trẻ đã bị xâm hại tình dục, chúng ta phải dựa vào tiêu chuẩn pháp luật.
Trẻ bị xâm hại phải được bảo vệ, cha mẹ không nên che giấu mà cần lên án hành động sai trái của kẻ ác, báo với các cơ quan chức năng để bảo vệ con cũng như những đứa trẻ khác…
Tùy vào mức độ tổn thương của trẻ, cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ, gặp chuyên gia tâm lý để trị liệu giúp khắc phục tình trạng sang chấn tâm lý. Cha mẹ cần luôn đồng hành và giúp con vượt qua trở ngại tâm lý khó khăn này.
Khánh Vân