Kể chuyện lịch sử qua game
Game là một công cụ, cách để quảng bá văn hóa và lịch sử quốc gia vô cùng hiệu quả. Các quốc gia như Nhật Bản và Trung Quốc đang làm rất tốt ở mảng này.

Thuận Thiên kiếm được biết đến là game dã sử đầu tiên của Việt Nam, người chơi nhập vai vào bối cảnh loạn lạc thời hậu Lê (thế kỷ 15 - 16). Game được xây dựng dựa trên những câu chuyện lịch sử, văn hóa Việt Nam dưới sự cố vấn của PGS Huỳnh Lứa.
Bối cảnh game bắt nguồn từ câu chuyện về thanh kiếm Thuận Thiên xưa, Lê Lợi đã trao trả cho thần Kim Quy tại hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau khi đánh đuổi giặc Minh. Game còn bổ sung các hoạt động khoa cử trong trò chơi, được thiết kế giống với những kỳ thi tuyển chọn người tài của nước Việt xưa như: Khảo hạch, thi Hương, thi Hội, thi Đình.
Người chơi sẽ lần lượt trả lời những câu hỏi theo độ khó tăng dần. Nội dung câu hỏi trong hoạt động khoa cử là kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa cổ Việt Nam, ca dao tục ngữ, thơ văn trung đại, các câu đố dân gian...
Hay game 7754 tái hiện giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp, người chơi trong vai chiến sĩ Việt Minh sẽ tham gia các trận đánh quan trọng trong giai đoạn này như cuộc chiến bảo vệ Bắc bộ phủ (12/1946), trận Đông Khê (9/1950), chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952)…
Với những yếu tố mang sắc thái lịch sử chuyên biệt game 7554 như cuốn phim cho cái nhìn đa chiều của một trong những chiến dịch đã đi vào lịch sử quân sự thế giới.
Có thể kể đến game về đề tài lịch sử Nam Đế 2 - Cờ lau dựng nước. Game lấy bối cảnh sau khi Ngô Vương (Ngô Quyền) qua đời, lịch sử Việt Nam ghi nhận giai đoạn nội loạn, tuy rất bi tráng nhưng đồng thời cũng đã đặt mốc son đáng tự hào, khi Đinh Tiên Hoàng dẹp yên các sứ quân và thống nhất đất nước, tự xưng Hoàng đế.
Đưa văn hóa Việt vào board game
Ở Việt Nam, không khó để bắt gặp nhiều người tham gia chơi rút gỗ, ô ăn quan hay cá ngựa. Đó chính là những board game, lâu nay vẫn được xếp vào thể loại trò chơi dân gian, trò chơi truyền thống.
Board game được hiểu là những trò chơi trên bàn mà ở đó người chơi tương tác với nhau thông qua bàn cờ, quân xúc xắc, rubik hay các lá bài (card game) với những luật chơi riêng của từng trò chơi.

Dù luật chơi đơn giản hay phức tạp thì các board game không hẳn là trò giải trí mang tính may rủi, mà còn giúp phát triển trí tuệ, đòi hỏi mỗi người chơi ít nhiều phải phân tích tình huống, phán đoán, tính toán để có những nước đi mang tính chiến thuật giành chiến thắng.
Biết đến board games vào những năm học cấp 3, chị Trần Ngọc Tuệ Mẫn bắt đầu sáng tạo vào năm 2018. Từ người chơi board game đơn thuần, chị đã quyết tâm bước chân vào cánh cửa thế giới board game khi nhận thấy, các sản phẩm board game còn thiếu những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam.
Vì vậy, với slogan "Đưa văn hóa Việt vào board game", chị Tuệ Mẫn đã đưa khẩu hiệu này xuyên suốt vào game: “Năm 2018, tôi đã thử đánh chữ Việt Nam vào và thứ mà mình thấy vào thời điểm đó chỉ là hai tựa game do người nước ngoài làm về chiến tranh Việt Nam.
Tôi tự hỏi, văn hóa Việt còn rất nhiều chủ đề có thể khai thác, tại sao người ta chỉ biết văn hóa Việt thông qua hai tựa game yếu tố chiến tranh cận đại đó thôi? Đó là động lực khiến cho chúng tôi quyết định là phải đưa văn hóa Việt vào board game”.
Cuối năm 2018, Ngũ Hành Games đã cho ra mắt bộ board game đầu tiên có tên là “Lên mâm” lấy cảm hứng từ những món ăn truyền thống của người Việt trong ngày tết. Thông qua những tấm thẻ bài nguyên liệu, những người chơi sẽ trở thành anh chị em trong một gia đình, cùng vào bếp để chuẩn bị mâm cơm hoành tráng cho kịp đêm giao thừa.
Nhưng sản phẩm đầu tay này lại không mấy thành công. Có lẽ, cũng chính bởi vậy mà bộ board game sau đó mang tên “Hội Phố” là tựa game được Tuệ Mẫn ưu ái hơn cả bởi những giá trị mà bộ board game này mang lại cho Ngũ Hành Games.
Khi chơi Hội Phố, người chơi sẽ trở thành những thương nhân ở phố cổ Hội An vào thế kỷ thứ XVI, XVII để thực hiện việc giao thương và kiếm tiền về cho thương hội của mình. Hội Phố là một thành công giúp cho công ty có thể tiếp tục sống. Và một điểm đặc biệt nữa của Hội Phố là vào khoảng năm 2021, đó là tựa game Việt Nam đầu tiên được bán sang thị trường Nhật Bản.
Thời gian đầu, khi làm những bộ board game mà yếu tố văn hóa không bị đặt nặng quá nhiều, Ngũ Hành Games chủ yếu sử dụng những trải nghiệm cá nhân.
Nhưng cho đến board game có tên “Thiên Mệnh”, là bộ board game về lịch sử đầu tiên của Ngũ Hành Games, lấy cảm hứng từ dẹp loạn 12 sứ quân, đơn vị này nhận thức được rằng lịch sử là không được phép làm sai và đã tìm một người có chuyên môn để cùng đồng hành.
Anh Công Thái Gia Bảo - cố vấn nội dung văn hóa cho các board game của Ngũ Hành chia sẻ, khó khăn lớn nhất là những kiến thức khi nghiên cứu quá khô khan và không thể nào áp dụng được vào trong những sản phẩm game.
Theo các chuyên gia, game mang đến cho người chơi một không gian ảo được tái hiện chân thực về di sản văn hóa. Người chơi có thể khám phá các thành phố lịch sử, địa điểm nổi tiếng và các di tích quan trọng một cách chi tiết, đa chiều. Điều này giúp mở rộng kiến thức và hiểu biết của người chơi về di sản văn hóa.
Và khi tham gia vào các game dã sử, văn hóa, người chơi có cơ hội tìm hiểu về lịch sử và truyền thống của các nền văn hóa, thông qua việc tham gia vào các nhiệm vụ và sự kiện trong trò chơi. Điều này giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết của người chơi về di sản văn hóa.
Game có tiềm năng lớn trong việc khám phá và trải nghiệm di sản văn hóa vật thể tại Việt Nam. Sự kết hợp giữa công nghệ, trải nghiệm tương tác và cộng đồng chia sẻ thông tin có thể tạo ra những trải nghiệm sâu sắc và thú vị, từ đó khuyến khích sự quan tâm và tiếp cận với di sản văn hóa đặc trưng của quê hương.
Tuy nhiên, rất cần sự hợp tác và phối hợp giữa các đơn vị phát triển game với chuyên gia văn hóa cũng như các cơ quan quản lý di sản để khai thác tốt hơn tiềm năng của ứng dụng này. Bởi phát huy giá trị di sản, trước hết phải giữ gìn đúng hồn cốt ban đầu và lịch sử phải là sự thật, không thể vì đó là game mà sẵn sàng chấp nhận tính ước lệ một cách mơ hồ.
Khánh Vân
Báo Lao động Xã hội số 65