Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Kỹ năng trẻ em bảo vệ bản thân trong tình huống nguy hiểm

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trẻ em luôn hiếu kỳ, tò mò muốn khám phá những điều mới lạ, trong khi cuộc sống luôn xảy ra các tình huống bất trắc không thể lường trước. Do đó, cần trang bị cho trẻ kỹ năng sống để có thể xử lý những tình huống nguy hiểm.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), tại Việt Nam, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. 

Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. 

Những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em do tai nạn thương tích là tai nạn giao thông, ngạt, đuối nước, điện giật, hỏa hoạn, bỏng, ngã, ngộ độc, động vật cắn...

Trước thực trạng số trẻ em bị tai nạn thương tích hằng năm tại nước ta vẫn khá cao so với khu vực và thế giới, cha mẹ cần trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết.

Kỹ năng tự bảo vệ bản thân

Đó là khả năng tự đảm bảo sự an toàn và tránh các nguy hiểm trong môi trường xung quanh, bao gồm việc nhận biết và đánh giá các tình huống rủi ro, hiểu và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, có khả năng tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa về an toàn và sức khỏe.

Từ 3 - 6 tuổi, trẻ bắt đầu khám phá thế giới xung quanh, có thể sẽ nghịch chơi các đồ vật nguy hiểm như dao, kéo, bếp ga, ổ điện, bình nước sôi. Lúc này, cha mẹ nên tận dụng cơ hội để chỉ rõ cho con biết đồ vật nào nguy hiểm, vì sao chúng nguy hiểm và hướng dẫn con cách sử dụng đúng.

Bên cạnh đó, hằng ngày hãy cùng con chơi qua các tình huống: Đố con nói gì, làm gì khi bị lạc đường; khi bị bắt nạt, động vật cắn, giật điện, hỏa hoạn thì con làm thế nào?... Thông qua những trò chơi tình huống này, cha mẹ có thể đánh giá được khả năng phản ứng của con và hướng dẫn con cách xử lý an 
toàn nhất.

Cha mẹ cũng cần giúp con phân tích tình huống nào thì tự xử lý ngay được, tình huống nào cần gọi người trợ giúp, cung cấp cho con danh sách số điện thoại cần ghi nhớ để được hỗ trợ kịp thời trong lúc khẩn cấp.

Ngoài ra, từ những câu chuyện, những tai nạn nhìn thấy, nghe thấy trên các phương tiện truyền thông, cha mẹ đều có thể biến thành bài học giá trị để chia sẻ với con, giúp trẻ hiểu trong tình huống đó nên làm gì và cách đề phòng ra sao.

di chuyen thap.jpg
 Trẻ thực hành kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn.

Kỹ năng thoát hiểm khi có cháy

Cha mẹ có thể đặt cho trẻ những bài trắc nghiệm như: Nếu bị kẹt trong đám cháy mà có người lớn, các con sẽ làm gì? Khi ở một mình mà có cháy, con làm gì?… Từ những câu hỏi này, cha mẹ có thể dẫn ra các tình huống giúp bé thực hành kỹ năng thoát hiểm.

Nếu bị kẹt trong đám cháy có người lớn bên cạnh, các con phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của người lớn. Trường hợp ở nhà một mình, con phải quan sát những lối thoát hiểm, cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt.

Trường hợp cửa khóa, nếu ngửi thấy mùi khét hoặc nhìn thấy khói, lửa cháy, phải giữ bình tĩnh, kêu gọi sự trợ giúp của người lớn bằng cách hô lớn "cháy"; gọi cứu hỏa 114 và thông báo con đang ở đâu. Nếu ở chung cư, trẻ cần hô hoán báo động, kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người.

Trường hợp cháy ở nơi khác, khi có chuông báo cháy thì cần nhanh chóng di chuyển để thoát nạn, nên mang theo khăn nhúng nước để che mũi, khoác lên người áo thấm nước. Khi di chuyển cúi người ở tư thế đi khom, hạ thấp hoặc bò sát mặt đất, men theo tường để tìm lối ra. Hướng dẫn trẻ cách sử dụng bình chữa cháy mini để dập tắt đám lửa nhỏ.

Kỹ năng thoát hiểm khi bị chó dữ tấn công

Khi thấy có 1 con chó tiến tới, trẻ hãy đứng yên, thả lỏng tay, không được nhìn chằm chằm vào mắt chó. Trường hợp chó đi theo sau, cần giữ bình tĩnh, đứng yên, siết chặt tay ngay phía trước ở vị trí thấp, tuyệt đối không vung tay sẽ kích thích chó tấn công.

Không nên bỏ chạy, la hét, vì chó thường phản ứng nhanh với chuyển động sẽ đuổi theo và cắn. Hãy đánh lạc hướng chó bằng cách sử dụng các vật dụng mang theo như đồ chơi, chai nước, khăn áo, đồ ăn… ném cho chúng để chúng nhai.

Khi bị chó tấn công, cần bảo vệ các vị trí quan trọng mà theo bản năng chó sẽ nhắm đến như cổ họng, mặt, ngực bằng cách cuộn tròn người lại như quả bóng. Dạy trẻ nắm chặt tay để tránh bị chó cắn nát ngón tay.

Nếu có khả năng chống trả hãy đá vào các điểm yếu của chó như mũi, gáy, cổ họng. Trong tay có các hóa chất dạng xịt như lọ gôm xịt tóc, nước hoa… hãy xịt ngay vào vùng mặt, mắt của chó.

bấm còi xe.png
 Dạy trẻ cách nhận biết vị trí còi xe và cách bấm còi khi cần báo động.

Kỹ năng thoát hiểm khi bị kẹt trong ô tô

Nếu trẻ bị kẹt trên ô tô một mình, thường trẻ sẽ hoảng hốt, lo lắng, thậm chí khóc thét, điều này sẽ rất nhanh mất sức. Vì vậy, cha mẹ nên dạy trẻ giữ bình tĩnh, tìm cách báo hiệu cho người xung quanh và tự tìm cách thoát ra ngoài.

Tìm cách mở cửa xe ở vị trí ghế lái: Hãy dạy cho trẻ cách bật lẫy khóa cửa xe để mở trong trường hợp khẩn cấp.

Bấm còi báo động: Hãy dạy trẻ cách nhận biết vị trí còi xe và cách bấm còi khi cần báo động. Trong trường hợp bất khả kháng không thể kêu gọi sự trợ giúp, không mở được cửa xe hãy dạy con cách tìm dụng cụ trong xe để phá cửa kính thoát ra.

Trang bị cho con các thiết bị liên lạc, đồng hồ định vị để trẻ có thể sử dụng trong tình huống cấp bách. Dạy con các số điện thoại liên hệ nếu gặp nguy hiểm như số của cha mẹ, cảnh sát, cứu thương…

Vì sự an toàn của con, bố mẹ hãy dạy con những kỹ năng cần thiết này càng sớm càng tốt, đừng để đến khi có sự cố thì đã quá muộn.

Việt Cường