Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Làm báo về trẻ em phải có tấm lòng yêu trẻ

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Ngoài những kiến thức chung được trang bị cho một nhà báo, phóng viên viết về trẻ em (chúng tôi thường gọi là phóng viên trẻ em) cần phải có thêm những tố chất và sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực trẻ em.

Yêu nghề, yêu trẻ và hiểu biết pháp luật 

Phóng viên trẻ em cần xác định đây là một nghề không thể làm giàu (bằng vật chất) từ cây viết. Thực tế cho thấy, những người làm báo về trẻ em có thể không giàu về kinh tế, nhưng họ lại rất giàu có trong tâm hồn bởi tấm lòng nhân ái mà họ dành cho trẻ em và đổi lại họ cũng nhận được tình yêu thương, sự hồn nhiên mà trẻ em đem tới cho họ.

Tác giả khi còn là phóng viên, đang tác nghiệp tại Diễn đàn trẻ em quốc gia  năm 2009 tại Hà Nội.jpg
Tác giả khi còn là phóng viên, đang tác nghiệp tại Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2009 tại Hà Nội.

Những người làm báo về trẻ em đều có tâm hồn tươi trẻ vì luôn được tiếp xúc, được trò chuyện, gần gũi với trẻ em hằng ngày. Đây là cái được lớn nhất, là món quà vô giá dành cho phóng viên trẻ em.

Sự yêu nghề, yêu trẻ là một trong những tố chất của phóng viên trẻ em. Nếu không có tấm lòng yêu trẻ, người cầm bút dễ bỏ cuộc vì viết về đối tượng này, phóng viên thường tiếp xúc, gặp gỡ trẻ em là đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi cha, mẹ, khuyết tật, trẻ em nghèo...).

Khi gặp các em, biết được những hoàn cảnh thương tâm, khó khăn, phóng viên còn bỏ tiền của mình cho các em, hoặc mua lương thực, thực phẩm tặng cho gia đình hoặc trung tâm nuôi dưỡng các em.

Viết về trẻ em, phóng viên cần có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực trẻ em. Cần nắm chắc các điều khoản cơ bản trong Luật Trẻ em năm 2016; độ tuổi của trẻ em; các nhóm quyền cơ bản của trẻ em; các kiến thức về luật pháp liên quan đến trẻ em,... từ đó mới có thể viết bài tuyên truyền để bảo vệ, chăm sóc trẻ em đúng và đi vào lòng người.

Trẻ em là đối tượng yếu thế (sống phụ thuộc người lớn), chưa hoàn thiện về thể chất, tâm hồn nên khi viết về đối tượng này, nếu chưa được đào tạo qua các khóa học về kỹ năng viết báo về trẻ em thì phóng viên rất dễ bị mắc sai lầm trong khi tác nghiệp.

Ví dụ như đưa tin về trẻ em bị lạm dụng, bị xâm hại thì tuyệt đối không được nêu tên, tuổi, địa chỉ nhà ở của trẻ (mà nên viết tắt chữ cái đầu của họ, tên); hình ảnh của trẻ không được đăng tải (để tránh làm tổn thương trẻ cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của trẻ)...

Trẻ em nơi đó cần gì?

z5509606283631_da3d02fcda3f0dd34cc445f01e6ebbb0.jpg
TS. Trần Thị Thanh Thanh - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam trong một buổi tặng quà cho trẻ em.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong gần 30 năm gắn bó với công tác báo chí trẻ em là chuyến đi công tác Điện Biên năm 1996, tôi được chứng kiến phong cách làm việc nhiệt tình, tâm huyết với trẻ em của cố tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam. 

Hồi đó, tôi là phóng viên Tạp chí Vì trẻ thơ được gần 2 năm, được Thư ký toà soạn gọi lên giao nhiệm vụ đi cùng đoàn Bộ trưởng lên tỉnh Điện Biên. Cùng đi với Bộ trưởng có hơn chục anh, chị ở các cục, vụ của Ủy ban. 

Chuyến đi miền núi 7 ngày thì đi đường cũng mất 2 ngày cả đi và về rồi. Trong 5 ngày ở Điện Biên, lịch làm việc của Bộ trưởng kín cả trong và ngoài giờ hành chính. Ngày đầu tiên, sáng sớm chúng tôi đi từ Hà Nội, chạy thẳng lên TP Điện Biên quãng đường gần 500km. Đường miền núi nhiều dốc và quanh co, hiểm trở, đến nơi ai cũng mệt.

Tôi mới vào nghề chưa đi nhiều nên say xe. Tới Thủ phủ Điện Biên tầm 7 giờ tối, cả đoàn thấm mệt chỉ muốn được nghỉ ngơi. Tiếp đoàn là anh Lò Văn Inh - Chủ nhiệm và Chị Lê Thị Kim Dương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh Điện Biên. Thấy cơ sở chờ đợi tiếp đón chu đáo nên Bộ trưởng bảo chúng tôi vào họp luôn để triển khai công việc kẻo anh chị em địa phương chờ lâu.

Thế là họp xong cũng khoảng 20h30, lúc này mọi người mới ăn tối rồi về phòng nghỉ ngơi. Sáng sớm hôm sau, đoàn lên đường đi huyện Điện Biên Đông cách Thành phố 50km để thăm một gia đình người Mông hiếu học. Gia đình này có 4 cha con đều đi học bổ túc văn hóa để xóa mù chữ. 

Những ngày kế tiếp, Bộ trưởng đi nhiều nơi, đến tận xã, phường để nắm sâu sát tình hình trẻ em ở địa phương.

Đến đâu, Bộ trưởng cũng ân cần hỏi thăm các cán bộ, các gia đình, các cháu nhỏ về tình hình ăn, ở, học tập, việc khám chữa bệnh cho trẻ đã được làm tốt chưa, khó cái gì, vướng ở đâu, đề xuất gì với tỉnh, với Trung ương. Sau rốt, Bộ trưởng cùng cán bộ địa phương ngồi lại đề ra các giải pháp, các nhiệm vụ thời gian tới.

Khi đoàn từ Điện Biên trở về Hà Nội, biết gia đình tôi ở huyện Tuần Giáo (Điện biên), cách TP Điện Biên 80km, Bộ trưởng quyết định cho đoàn công tác dừng nghỉ đêm ở huyện Tuần Giáo với mục đích để cho tôi được về thăm nhà, ngủ một đêm với bố mẹ. Điều này khiến tôi vô cùng vui mừng và xúc động. 

Những ngày được đi cùng Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh, không chỉ tôi mà các anh chị cùng đoàn đều cảm phục tấm lòng tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ và sức làm việc bền bỉ dẻo dai không ngưng nghỉ của bà.

Câu nói của bà làm tôi nhớ mãi: “Đi xa, về được với địa phương thì chúng ta phải tận dụng hết mọi thời gian để làm được nhiều việc, được gặp nhiều trẻ em để biết được trẻ em nơi đó cần gì ở chúng ta. Từ đó chúng ta mới xây dựng được các chương trình, dự án, chính sách phù hợp để phục vụ cho trẻ em - thế hệ thương lai của đất nước”.

Cố Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh nay đã đi xa, nhưng hình ảnh về người nữ Bộ trưởng đầy tâm huyết với công tác trẻ em, yêu trẻ em; một tấm gương về lối sống giản dị, gần gũi, nhân ái luôn khiến tôi và nhiều người làm báo về trẻ em nhớ mãi. 

Nguyễn Thúy Hằng (Nguyên PTBT báo Dân trí)

Ấn phẩm Vì trẻ em số 11

Tin liên quan
10 lợi ích của việc học ngoại ngữ

10 lợi ích của việc học ngoại ngữ

(VTE) - Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc học ngoại ngữ đã trở thành một nhu cầu thiết yếu đối với mỗi người.